Tóm tắt. Cơ sở: Dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng còn chưa làm rõ kết cục của liệu pháp tái đồng bộ cơ tim (CRT) ở bệnh nhân suy tim nặng có phân suất tống máu thất trái giảm (HFrEF) kèm theo rung nhĩ hay cuồng nhĩ cơn (IAF/AFL).
Mục đích: nghiên cứu này là để mô tả kết cục của CRT ở bệnh nhân có rung nhĩ hay cuồng nhĩ cơn (IAF / AFL) và suy tim nặng.
Phương pháp: Kết cục về suy tim của các bệnh nhân trong nghiên cứu COMPANION (Comparison of Medical Therapy, Pacing, and Defibrillation in Heart Failure), với NYHA III - IV, phân suất tống máu thất trái dưới 35%, nhịp xoang ở thời điểm phân ngẫu nhiên, không có tiền sử loạn nhịp ở thời điểm ban đầu được so sánh với những người có tiền sử rung nhĩ hay cuồng nhĩ cơn (IAF / AFL).
Kết quả: Ở những người không có tiền sử loạn nhịp ở thời điểm ban đầu (n = 887), so sánh với điều trị nội khoa tối ưu (OPT) không CRT, thì CRT kết hợp điều trị nội khoa tối ưu (OPT) làm giảm đáng kể kết cục tử vong hay nhập viện bất kể nguyên nhân (tỷ số nguy cơ [HR] 0,73 [95% khoảng tin cậy (CI): 0,60 - 0,89], p = 0.002) và tỷ lệ tử vong hoặc nhập viện vì suy tim (HR 0,53 [95% CI: 0,41 - 0,68], p <.001). Ngược lại, trong nhóm có tiền sử rung nhĩ hay cuồng nhĩ cơn (IAF / AFL) (n = 293), CRT không giúp cải thiện kết cục so với điều trị nội khoa tối ưu (OPT) (tử vong hoặc nhập viện bất kể nguyên nhân: HR 1.16 [95% CI: 0.83 - 1.63]; p=0.38; tử vong hoặc nhập viện vì suy tim: HR 0,97 [95% CI: 0,64 - 1,46]; p = 0,88). Mối liên quan giữa tiền sử có AF / AFL và CRT là có ý nghĩa thống kê cho cả hai kết cục (P <0,05).
Kết luận: Trong thử nghiệm COMPANION, những bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu thất trái giảm (HFrEF) từ vừa đến nặng và có tiền sử IAF / AFL không được lợi khi sử dụng CRT.
Từ khóa. rung nhĩ cơn hay cuồng nhĩ; Suy tim; Liệu pháp tái đồng cơ tim; tạo nhịp 2 buồng
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.