Tác dụng của aspirin trên các biến cố tim mạch và chảy máu ở người già khỏe mạnh

Người dịch: ThS. Lê Văn Thực, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Tim Hà Nội

Hiệu đính: PGS.TS. Lê Thu Hòa, Phụ trách Trung tâm ĐT- CĐT

Link bài: https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa1805819

Tổng quan. Aspirin đã được chứng minh là liệu pháp tốt trong dự phòng thứ phát các biến cố tim mạch. Tuy nhiên, vai trò của nó trong việc dự phòng tiên phát bệnh tim mạch là chưa rõ ràng, đặc biệt ở người già, là những người có nguy cơ cao.

Phương pháp. Từ năm 2010 đến năm 2014, chúng tôi tuyển những người nam và nữ sống tại cộng đồng ở Úc và Mỹ đã 70 tuổi hoặc hơn (hoặc 65 tuổi với người da đen và Tây Ban Nha ở Mỹ) và không có bệnh lý tim mạch, sa sút trí tuệ hoặc khuyết tật. Những người tham gia được chia ngẫu  nhiên vào nhóm sử dụng 100 mg aspirin dạng bào chế tan trong ruột hoặc vào nhóm sử dụng giả dược. Kết cục tiên phát là phức hợp của tử vong, sa sút trí tuệ, hoặc khuyết tật thể chất; các kết quả của kết cục này được báo cáo trong một bài báo khác trong tờ Journal. Kết cục thứ phát bao gồm chảy máu nặng và bệnh tim mạch (được định nghĩa là bệnh mạch vành gây tử vong, nhồi máu cơ tim không gây tử vong, đột quỵ gây tử vong hoặc không gây tử vong, hoặc nhập viện do suy tim).

Kết quả. Trong số 19,114 người tham gia vào thử nghiệm, 9,525 người dùng aspirin và 9,689 người dùng giả dược. Sau thời gian theo dõi trung bình là 4.7 năm, tỉ lệ mắc bệnh tim mạch là 10.7 biến cố/1000 người-năm trong nhóm aspirin và 11.3 biến cố/1000 người-năm trong nhóm giả dược (HR, 0.95; 95% CI, 0.83 - 1.08). Tỉ lệ chảy máu nặng lần lượt là 8.6 biến cố/1000 người-năm và 6.2 biến cố/1000 người-năm (HR, 1.38; 95% CI, 1.18 - 1.62; P<0.001).

Kết luận. Việc sử dụng aspirin liều thấp như một chiến lược dự phòng tiên phát ở người già cho thấy làm tăng có ý nghĩa nguy cơ chảy máu nặng và không làm giảm có ý nghĩa về nguy cơ mắc bệnh tim mạch so với giả dược.


Danh mục: Nghiên cứu khoa học , Bài viết chuyên đề

Bình luận
Bài viết liên quan