Đại biểu Quốc hội: "Bài toán lòng tin" khiến bệnh viện TW quá tải

Đại biểu Quốc hội, PGS. TS. BS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đã chia sẻ với phóng viên về những trăn trở của ngành y cũng như vấn đề đạo tào y tế cơ sở.

Đại biểu Quốc hội: 'Bài toán lòng tin' khiến bệnh viện TW quá tải - Ảnh 1

Đại biểu Quốc hội, PGS. TS. BS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

PV: Thưa ông, vì sao người dân không mặn mà gì với y tế ở tuyến cơ sở mà ùn ùn đổ về tuyến trung ương khiến các bệnh viện trở nên quá tải, người bệnh cũng như y bác sĩ đều bị áp lực?

BS Nguyễn Quang Tuấn: Lý do vì sao bệnh viện tuyến Trung ương quá tải, đó chính là bài toán lòng tin.

Lòng tin ở đây không thể là hô khẩu hiệu, lòng tin là người thật, việc thật, qua từng ca bệnh. Tôi nghĩ rằng cái đó phải xuất phát ngay từ chuyên môn của thầy thuốc, đội ngũ điều dưỡng. Vì vậy, để lấy lại điều đó, bắt buộc chúng ta phải đào tạo. Đào tạo theo các chứng chỉ, đào tạo theo các danh mục, chuyên môn kỹ thuật, đào tạo theo kiểu cầm tay chỉ việc, bằng mọi cách để từng bước một nâng cao trình độ của bác sĩ ở cơ sở và chúng ta đáp ứng được ngay cái nhu cầu của người dân.

Có nhiều người được đào tạo chuyện tu, có người được đào tạo tại chức nên trình độ rất khác nhau. Do đó, chúng ta phải có mô hình đào tạo làm sao để chúng ta chuyển giao các gói chuyên môn kỹ thuật cho phù hợp.

PV: Như ông nói, mọi thứ bắt nguồn từ đào tạo. Vậy các vụ tai biến y khoa có phải là do công tác đào tạo chưa đến nơi đến chốn?

Đại biểu Quốc hội: 'Bài toán lòng tin' khiến bệnh viện TW quá tải - Ảnh 2

Vậy các vụ tai biến y khoa có phải là do công tác đào tạo chưa đến nơi đến chốn? (ảnh minh họa)

BS Nguyễn Quang Tuấn: Thực ra rất khó để chúng ta trách các em. Các cụ đã dậy tiên trách kỷ, hậu trách nhân.

Là người đã có nhiều năm trong nghề, và cũng là người thầy đang giảng dạy trong trường Đại học Y, chúng tôi phải là những người chịu trách nhiệm trong chuyện đó.

Trong vấn đề đào tạo, chúng tôi cũng đã hướng dẫn các em trong việc thực hiện đúng các quy trình chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là quy trình an toàn cho người bệnh. Do vậy, những tai biến y khoa xảy ra có thể là bất khả kháng, nhưng có những cái thực sự là tắc trách, không thực hiện đúng quy trình chuyên môn, kiểm tra đối chiếu trước khi chúng ta thực hiện các thủ thuật.

Chính vì vậy, theo tôi, việc phát triển y tế cơ sở chính là vấn đề đào tạo, đạo tạo lại và đào tạo liên tục cho đội ngũ bác sĩ hiện hành thực hiện quy chế chuyên môn để họ thực hiện chuẩn hơn, tốt hơn, làm sao giảm thiểu được tai biến y khoa và giảm thiểu các trường hợp đáng tiếc như thời gian vừa qua.

PV: Thưa ông, trước khi tranh cử Quốc hội, ông có nói vấn đề y tế cơ sở là vấn đề sống còn và quyết tâm sẽ thực hiện được trong nhiệm kì của mình. Vậy, hiện nay ông đã thực hiện việc này như thế nào?

BS Nguyễn Quang Tuấn: Cá nhân tôi cùng với Bệnh viện Tim Hà Nội được Sở Y tế thành phố giao nhiệm vụ là đầu ngành cho các bệnh viện thủ đô về tim mạch và chuyển hóa.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng là bệnh viện hạt nhân của Bộ Y tế nên đang giúp đỡ nhiều bệnh viện tỉnh trong cả nước để phát triển y tế cơ sở. Bước đầu chúng tôi làm rất thành công và được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá rất cao.

Tôi nghĩ rằng, để phát triển y tế cơ sở cần có sự vào cuộc của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan chứ một mình Bộ Y tế cũng không đủ sức để làm.

Tại sao nói vậy? Vì y tế cơ sở liên quan rất nhiều đến các địa phương, đến các tỉnh, đặc biệt là UBND tỉnh đến các huyện như: cơ sở vật chất, trang thiết bị. Vấn đề đào tạo con người là của các ngành dọc, các Sở Y tế, các bệnh viện tỉnh và liên quan đến các trường Đại học Y và Bộ Y tế.

Theo tôi, hiện nay, Chính phủ rất quan tâm đến y tế, đặc biệt là Hội nghị Trung ương 6 vừa rồi Bộ Chính trị đã đưa ra thông điệp cực kỳ rõ ràng và ưu tiên số 1 chính là phát triển y tế cơ sở.

Tôi nghĩ đây là nền tảng và đường hướng để chúng ta đẩy mạnh hơn nữa, tiếp cận sâu hơn nữa và giúp cho các đơn vị cơ sở hơn nữa trong vấn đề đào tạo, đào tạo lại năng lực chuyên môn để ngay và luôn chúng ta có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân, để giảm thiểu trường hợp tai biến y khoa như vừa rồi.

Đại biểu Quốc hội: 'Bài toán lòng tin' khiến bệnh viện TW quá tải - Ảnh 3

Đào tạo y là phải học suốt đời

PV: Nhiều người cho rằng, vấn đề đào tạo và quy trình làm việc của Việt Nam nói chung và lĩnh vực y tế hiện nay đang có vấn đề và “đang đào tạo ào ào”. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

BS Nguyễn Quang Tuấn: Tôi nghĩ nó bao hàm cả 2 vấn đề. “Đào tạo ào ào” ý nhấn mạnh đến việc chúng ta mở ra một số trường Đại học Y hoặc Đại học Điều dưỡng chưa được chuẩn. Còn về đào tạo y tế cơ sở thì thực sự mà nói là chưa được đào tạo. Nếu đào tạo ào ào còn tốt hơn là không được đào tạo.

Một ví dụ rất cụ thể, có những đồng nghiệp của tôi ra trường đến 20 năm rồi nhưng vẫn chưa trải qua một lớp đào tạo lại thì làm sao mà chuyên môn lên được?

Chúng ta phải biết là đào tạo y là phải học suốt đời. Những cái hôm nay đúng nhưng ngày mai có thể không đúng nữa, nó đã thay đổi. Và vì y học là dựa trên bằng chứng và qua các nghiên cứu, qua các thực tế.

Nếu nó tốt ta áp dụng vào, không tốt thì phải loại ra. Do vậy, vấn đề học liên tục là cực kỳ quan trọng. Chúng ta không chỉ đào tạo cho bác sĩ mà còn đào tạo cho các điều dưỡng nữa.

PV: Như ông đã phân tích ở trên, đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại vấn đề đào tạo và đạo tào trọng yếu chứ không phải là ào ào phải không?

BS Nguyễn Quang Tuấn: Trên thực tế, Bộ Y tế đã làm rồi. Mới đây, Bộ Y tế cũng đã tổ chức một hội nghị liên quan đến vấn đề đào tạo của Y tế trong bối cảnh đổi mới giáo dục của Việt Nam. Và tôi nghĩ rằng, y tế của chúng ta cần tích cực hơn nữa trong việc thay đổi quy trình đào tạo.

Nếu trước đây chúng ta đào tạo 6 năm ra trường làm bác sĩ đa khoa và chúng ta đưa các bác sĩ đó về các bệnh viện hoặc các cơ sở để làm việc thì thực sự là chưa ổn.

Hiện nay, chúng ta thay đổi, bác sĩ sau 6 năm ra trường bắt buộc phải học thêm 3 năm nữa là bác sĩ nội trú. Như vậy, 6 năm học cả lý thuyết và thực hành, 3 năm chuyên sâu về thực hành nhiều hơn lý thuyết và đi vào những chuyên ngành mà mình lựa chọn.

Vì vậy, chúng ta đào tạo các bác sĩ sau đại học có đầy đủ trình độ chuyên môn và kỹ thuật, có thể tự đứng một mình để khám chữa bệnh, theo dõi cho người bệnh.

PV: Như ông nói cần phải đào tạo lại đội ngũ y bác s, vậy thì dự kiến phải mất bao nhiêu lâu? Bởi vì sau một số vụ việc nhầm thuốc và tiêm nhầm thì gần như tất cả người dân họ đều phản ứng dữ dội với tuyến y tế cơ sở?

BS Nguyễn Quang Tuấn: Tôi là người đi khá nhiều nhưng “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, thực ra chúng ta chưa làm nhiều cho tuyến y tế cơ sở.

Chúng ta phải lo cho anh em nhiều hơn không chỉ về cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn còn phải ủng hộ anh em về tinh thần nữa. Bởi vì những tai biến vừa qua, báo chí phản ánh đã làm cho anh em dao động rất nhiều.

Điều này thực tế là không có lợi, do vậy, là một người giáo viên tôi nghĩ không phải 70 năm. 70 thì quá xa, người dân không thể chờ tới 70 năm được. Chúng ta phải lấy ngắn nuôi dài, một mặt đào tạo chính thống ở các trường đại học, để 6 năm sau tiếp tục 3 năm nội trú có được nhân viên y tế có đầy đủ kiến thức để mà đáp ứng yêu cầu.

Ngay bây giờ người dân vẫn ốm, người dân vẫn nằm viện, do vậy chúng ta phải đào tào cho anh em để đáp ứng được yêu cầu của người dân. Sức khỏe thì không chờ đợi, ốm đau thì không có hẹn.

PV: Là ĐBQH liệu ông đã đưa vấn đề này lên trên nghị trường chưa?

BS Nguyễn Quang Tuấn: Mỗi lần có cơ hội phát biểu trên nghị trường, tôi đều đề cập vấn đề này. Tôi cũng giống như các bác sĩ khác học ở trường Đại học Y nhưng tôi may mắn hơn họ là được ở lại bệnh viện Trung ương và có thể trở thành giáo sư, phó giáo sư và chuyên gia đầu ngành. Còn bạn tôi cũng học trong trường đó cũng thầy đó nhưng phải về địa phương làm việc.

.Như đã đề cập ở trên, 20 năm không được đào tạo thì họ đâu có tội? Như vậy rõ ràng chúng ta cần có nhìn nhận khách quan hơn, mà đó không phải y đức.

Họ có tâm nhưng không có tài, đó không phải cái tài chung mà là do không được đào tạo về chuyên môn. Chính vì thế, họ cũng không thể làm gì hơn được. Thách thức này đã có từ lâu nhưng chúng ta phải làm quyết liệt hơn, đừng để cháy rồi mới chữa cháy mà chúng ta phải làm trước khi nó cháy.

PTT Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế đã rất mạnh mẽ vào cuộc nhưng vấn đề là có một độ trễ. Chính vì thế, nó sẽ thay đổi nhưng cũng cần thời gian. Cái này nếu được người dân đồng cảm cùng thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

PV: Xin cảm ơn ông!


Danh mục: Tin tức , Truyền thông nói về chúng tôi

Bình luận