Tác dụng của chiến lược hồi sức theo mục tiêu là tình trạng tưới máu ngoại biên so với nồng độ lactate máu đến tỉ lệ tử vong trong vòng 28 ngày ở bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn

 

1. Người dịch: ThS.Nguyễn Văn Thực, Khoa Hồi sức tích cực

2. Hiệu đính: PGS.TS. Lê Thu Hòa, Phụ trách Trung tâm ĐT- CĐT

Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên ANDROMEDA-SHOCK

Tầm quan trọng. Tưới máu ngoại biên bất thường sau khi hồi sức sốc nhiễm khuẩn là có liên quan đến rối loạn chức năng tạng và tỷ lệ tử vong. Vai trò tiềm tàng của đánh giá lâm sàng tình trạng tưới máu ngoại biên như một mục tiêu trong quá trình hồi sức ở giai đoạn sớm của sốc nhiễm khuẩn chưa được chứng minh.

Mục tiêu. Xác định liệu hồi sức theo mục tiêu tưới máu ngoại biên trong giai đoạn sớm của sốc nhiễm khuẩn ở người trưởng thành có hiệu quả hơn so với hồi sức theo mục tiêu nồng độ lactat máu trong việc làm giảm tỉ lệ tử vong không

Thiết kế và đối tượng nghiên cứu. Thử nghiệm đa trung tâm, ngẫu nhiên được thực hiện ở 28 đơn vị hồi sức tại 5 quốc gia. 424 bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn được đưa vào nghiên cứu từ tháng 3/2017 tới tháng 3/2018. Ngày kết thúc theo dõi là 12/6/2018.

Can thiệp. Các bệnh nhân được phân ngẫu nhiên theo quy trình hồi sức từng bước một hướng tới hoặc bình thường hóa thời gian làm đầy trở lại của mao mạch (n = 212) hoặc bình thường hóa hoặc giảm nồng độ lactate máu với tốc độ lớn hơn 20% mỗi 2 giờ (n = 212), trong thời gian can thiệp là 8 giờ.

Kết cục chính và biện pháp. Kết cục tiên phát là tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân sau 28 ngày. Các kết cục thứ phát là rối loạn chức năng tạng tại thời điểm 72 giờ sau khi phân ngẫu nhiên, được đánh giá bằng bảng điểm Sequential Organ Failure Assessment-SOFA (0 [tốt nhất] – 24 [xấu nhất] điểm); tử vong trong vòng 90 ngày; thở máy, liệu pháp thay thế thận, và số ngày ngừng thuốc vận mạch trong vòng 28 ngày; thời gian nằm hồi sức và thời gian nằm viện.

Kết quả. Trong số 424 bệnh nhân được phân ngẫu nhiên (tuổi trung bình, 63 tuổi, 53% là phụ nữ), 416 bệnh nhân (98%) hoàn thành thử nghiệm. Tới ngày 28, có 74 bệnh nhân (34.9%) trong nhóm tưới máu ngoại vi và 92 bệnh nhân (43.4%) trong nhóm lactate đã tử vong ( HR 0.75, 95%CI, 0.55 - 1.02); P =0.06; sự khác biệt nguy cơ -8.5% (95% CI, -18.2% - 1.2%). Hồi sức với mục tiêu tưới máu ngoại biên đã có ít rối loạn chức năng tạng tại thời điểm 72 giờ (điểm SOFA trung bình 5.6 [SD, 4.3] so với 6.6 [SD, 4.7]; khác biệt trung bình -1 [95% CI -1.97 tới -0.02], P = 0.045. Không có sự khác biệt có ý nghĩa trong 6 kết cục thứ phát khác. Không có phản ứng phụ nghiêm trọng liên quan tới quy trình.

 

Kết luận. Trong các bệnh nhân có sốc nhiễm khuẩn, chiến lược hồi sức với mục tiêu bình thường hóa thời gian làm đầy mao mạch so với chiến lược hồi sức mục tiêu hạ lactate máu, không làm giảm tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân trong 28 ngày.


Danh mục: Tin tức , Nghiên cứu khoa học , Bài viết chuyên đề

Bình luận
Bài viết liên quan