Thăm bệnh nhân trong đại dịch Covid ?

Việt Nam chúng ta là quốc gia mà thói quen thăm người bệnh hoặc người quen nằm viện còn rất nặng nề. Hàng ngày làm việc, chúng tôi chứng kiến rất nhiều bệnh nhân có người nhà hoặc người quen đến thăm viếng trong Bệnh viện. Sự thật là nhiều gia đình có hàng chục thậm trí có hàng trăm người đến thăm. Đây là một thói quen xấu mà chúng ta ít khi gặp tại các Bệnh viện ở Mỹ và Châu âu. Mấy ngày gần đây, chúng ta chứng kiến 9 bệnh viện trên toàn quốc đã phải đóng cửa vì sự lây lan của Covid. Sự lây lan mạnh của Covid trong những ngày gần đây là thân nhân những bệnh nhân đang nằm ở các Bệnh viện. Bài viết này của chúng tôi xin đề cập đến thăm bệnh nhân như thế nào trong khi dịch Covid đang lan tràn.

Nên tránh tình trạng rồng rắn đi thăm bệnh nhân trong các bệnh viện.

          Không phải đến khi dịch bệnh lây lan mà chúng ta không nên kéo nhau đi thăm bệnh nhân trong các Bệnh viện mà chúng ta nên thay đổi cách nhìn nhận này ngay cả khi dịch bệnh  qua đi. Khi chúng ta đi thăm bệnh nhân, chúng ta có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho bệnh nhân. Một nghiên cứu tại Đại học Avondale ước tính tỷ lệ nhiễm trùng có thể gây ra từ bên ngoài vào thăm bệnh nhân lên đến 165,000 trường hợp mỗi năm tại Úc. Nhiễm trùng này có thể là vi khuẩn từ quần áo, giầy dép của chúng ta từ các nơi khác truyền đến cho bệnh nhân. Cũng có thể những người đi thăm bệnh mang trong mình virus hoặc vi khuẩn nào đó có thể lây lan qua đường hô hấp khi nói chuyện. Nghiên cứu này cũng cho thấy nhiễm trùng từ bên ngoài vào có thể dẫn đến bệnh nhân nặng nề hơn, thời gian nằm viện lâu hơn và làm tăng giá thành điều trị cho bệnh nhân. Ví dụ như bệnh nhân sau phẫu thuật hoặc can thiệp có tình trạng nhiễm trùng nhẹ sẽ dễ bị nhiễm trùng nặng hơn đòi hỏi điều trị tích cực hơn. Tại nước ta, đa phần các phòng bệnh là những phòng lớn chứa nhiều bệnh nhân trong một phòng. Tiếng nói chuyện và tiếng ồn khi thăm viếng có thể ảnh hưởng đến những bệnh nhân nằm cạnh. Nhiều người thăm viếng cũng ảnh hưởng lên các hoạt động chuyên môn của nhân viên y tế.

          Khi các đợt dịch Covid diễn ra tại nước ta, rất nhiều người nhà bệnh nhân đã mắc Covid khi thăm viếng tại các bệnh viện như Bệnh viện Bạch mai vào tháng 3/2020, bệnh viện Đà nẵng vào tháng 7/2020, Bệnh viện nhiệt đới trung ương và Bệnh viện K vào tháng 4/2021. Nhiều người nhà vào thăm cũng làm cho bệnh dịch dễ lây chéo nhau trong Bệnh viện nhiều hơn. Những người nhà này cũng là những mầm bệnh lây lan ra cộng đồng. Hạn chế việc thăm viếng trong dịch Covid là cực kỳ cần thiết.

Có nên cấm hoàn toàn thăm bệnh nhân không?

          Hiện nay, đã rất nhiều khoa phòng tại nước ta đã có thể chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân đặc biệt là các khoa như hồi sức và hậu phẫu. Tại những khoa này, bệnh nhân thường sẽ được chăm sóc mà không cần có bất kỳ người nhà nào. Trên nguyên tắc khi số lượng bệnh nhân sụt giảm do bệnh nhân lo ngại Covid không nhập viện, nhiều Bệnh viện hoàn toàn có thể chăm sóc toàn diện cho tất cả các bệnh nhân nằm viện. Như vậy có thể nói có thể không cần sự chăm sóc của người nhà bệnh nhân trong thời điểm hiện tại.

          Trong các đợt cách ly Bệnh viện lần trước, tôi đã có người quen đang nằm viện bị cách ly hoàn toàn do Covid. Lúc này, họ không có người thân và gia đình bên cạnh. Không thể nói là không có sự hoảng loạn nhất định của những bệnh nhân này khi không có người thân trong lúc nằm viện. Khi có người nhà bên cạnh bệnh nhân có thể yên tâm hơn trong điều trị. Do vậy, có người nhà bên cạnh không phải là chiều chuộng gia đình hay bệnh nhân mà nó là một phần của tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe hiện nay trong các bệnh viện.

Khuyến cáo của Bộ Y tế khi có Covid là mỗi bệnh nhân chỉ có một người nhà thăm bệnh. Người nhà này nên chỉ là một người trong suốt quá trình thăm sóc bệnh nhân.

Bệnh viện Tim Hà Nội khuyến cáo mỗi bệnh nhân chỉ tối đa một người nhà ở lại chăm sóc

Tuy nhiên, nó cũng nảy sinh một số thực tế là khi cần những quyết định y tế quan trọng ví dụ như giải thích trước những ca mổ, can thiệp hoặc một thủ thuật có thể có nguy cơ lên sức khỏe người bệnh, không thể chỉ có một người nhà bệnh nhân quyết định được, việc thêm người của gia đình bệnh nhân được vào trong bệnh viện cũng nên được chấp thuận.

Ở những bệnh viện bị cách ly do Covid và không chấp nhận những thăm bệnh nhân hàng ngày của gia đình bệnh nhân, chúng ta có thể đề nghị gia đình sử dụng các thiết bị liên lạc thông minh. Các phương tiện như điện thoại thông minh với các phần mền như viber, zalo, room, facetime… có thể giúp người nhà và bệnh nhân liên hệ với nhau. Nếu những bệnh nhân nào không có các thiết bị liên lạc thông minh, nhân viên y tế nên trợ giúp bệnh nhân trong thời gian này.

Như vậy nếu người bệnh không phải rất thân thiết với bạn hãy hạn chế thăm trong bệnh viện kể cả khi dịch Covid đã lắng xuống. Trên phương diện khoa học thì thăm bệnh nhân trong bệnh viện không hề có lợi cho bệnh nhân.

TS.BS. Phạm Như Hùng

Tổng thư ký Hội tim mạch can thiệp Việt nam.


Danh mục: Tin tức , Hướng dẫn khám bệnh , Phổ biến kiến thức

Bình luận
Bài viết liên quan