ĐAU BỤNG

Định nghĩa

Hầu như tất cả mọi người đều trải qua ít nhất một lần đau bụng trong đời. Đau bụng có thể thoáng qua, âm ỉ nhưng cũng có thể đau dữ dội; có thể đau cấp tính (vài giờ, vài ngày) hoặc có thể mạn tính (vài tuần đến vài tháng, vài năm).

Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng. Những nguyên nhân thường gặp như đau bụng đầy hơi, khó tiêu hoặc do căng cơ thì thường không nghiêm trọng nhưng cũng có những trường hợp đau bụng cần được theo dõi, xử trí cấp cứu.

Trong các tính chất của đau bụng thì thời gian đau có vai trò rất quan trọng trong việc nguyên nhân gây đau. Đau bụng cấp xuất hiện, kéo dài và thường hết trong vài giờ đến vài ngày. Đau bụng mạn tính có thể ngắt quãng, đến rồi đi và lặp lại hàng tuần đến hàng tháng và thậm chí là hàng năm. Một số trường hợp còn gây ra các cơn đau kịch phát.

Đau bụng cấp

Trong nhiều trường hợp, đau bụng cấp thường kếp hợp với các triệu chứng khác của bệnh và kéo dài vài giờ đến vài ngày. Mức độ nghiêm trọng của các bệnh này rất khác nhau, từ rất nhẹ không cần điều trị gì đặc hiệu đến rất nặng và cần xử trí cấp cứu ngay. Một số bệnh này bao gồm:

  • Phình động mạch chủ bụng
  • Viêm ruột thừa
  • Viêm ống mật
  • Bệnh Crohn
  • Viêm túi mật
  • Nhiễm toan xeton do đái tháo đường
  • Viêm túi thừa
  • Tắc ruột
  • Chửa ngoài tử cung
  • Táo bón
  • Nhồi máu cơ tim
  • Chấn thương
  • Lồng ruột (ở trẻ em)
  • Viêm thận
  • Sỏi thận
  • Abces gan
  • Nhồi máu mạc treo
  • Viêm mạch bạch huyết mạc treo
  • Huyết khối mạch mạc treo
  • Viêm tuỵ cấp
  • Viêm màng ngoài tim
  • Viêm màng bụng
  • Viêm màng phổi
  • Viêm phổi
  • Nhồi máu phổi
  • Vỡ lách
  • Viêm lách
  • Thủng đại tràng
  • Viêm đường tiết niệu

Đau bụng mạn tính

Các bệnh gây đau bụng mạn tính thường phức tạp và khó phát hiện hơn. Triệu chứng cũng rất đa dạng từ nhẹ đến đau dữ dội, đau từng hồi, đến rồi đi hoặc cũng có khi bùng phát lên dữ dội. Các bệnh lý gây đau bụng mạn tính có thể là:

  • Cơn đau thắt ngực
  • Bệnh của mạch thân tạng
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Sỏi mật
  • Viêm dạ dày
  • Trào ngược dạ dày – thực quản
  • Thoát vị hoành
  • Thoát vị bẹn
  • Phù lách
  • Đau bụng Mittelschmerz (đau bụng có liên quan đến buồng trứng, vào giữa của chu kì kinh nguyệt)
  • Đau dạ dày không do loét
  • Nang buồng trứng
  • Viêm vùng chậu (do viêm các cơ quan sinh dục nữ)
  • Loét dạ dày
  • Thiếu máu tế bào hình liềm
  • Căng cơ bụng
  • Viêm loét đại tràng

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Khám cấp cứu

Hãy gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhờ người đưa đến ngay phòng cấp cứu của bệnh viện gần nhất (nếu bạn không thể gọi cấp cứu 115 được) nếu bạn bị đau bụng dữ dội có kèm theo các dấu hiệu sau:

  • Có chấn thương, ví dụ như sau tại nạn
  • Đau hoặc tức nặng ngực
  • Đau bụng rất dữ dội khiến bạn không thể ở yên, không thể tìm thấy tư thế để giảm đau
  • Sốt
  • Đi ngoài phân máu
  • Buồn nôn và nôn kéo dài
  • Chướng bụng
  • Tăng nhạy cảm đau khi chạm vào bụng
  • Da vàng
  • Sụt cân

Khám theo hẹn

Hãy gọi điện đến bệnh viện để hẹn khám nếu như những cơn đau bụng đó làm bạn lo lắng hoặc nó kéo dài vài ngày chưa hết.

Trong thời gian chờ đi khám, thử tìm cách nào đó để làm giảm bớt các cơn đau của bạn. Ví dụ như ăn các bữa nhỏ nếu như đau bụng đi kèm với đầy bụng, khó tiêu. Tránh các thuốc giảm đau như aspirin hoặc ibuprofen vì các thuốc này làm dạ dày của bạn kích ứng và có thể làm bạn đau bụng nhiều hơn.

Bệnh viện Tim Hà Nội là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về Tim mạch của Hà Nội và cả nước. Chúng tôi tiếp nhận khám và điều trị tất cả các mặt bệnh về Tim mạch tại hai cơ sở của Bệnh viện. Nếu bạn có băn khoăn gì về sức khoẻ tim mạch của mình, hãy liên hệ ngay với chúng tôi tại đây

Bài viết này được soạn bởi các bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội.

Vui lòng ghi rõ nguồn trích dẫn nếu bạn trích dẫn lại bài viết này.

Xin cảm ơn các bạn đã đọc và chúc các bạn có một trái tim khoẻ!


Danh mục: Các triệu chứng tim mạch thường gặp

Bình luận
Bài viết liên quan