Định nghĩa
Đau cách hồi là những cơn đau thường xảy ra khi vận động, gây ra bởi tình trạng lưu lượng máu đến nuôi vùng vận động đó quá ít. Đau cách hồi thường xảy ra ở chân nhưng cũng có thể xảy ra ở cả tay nữa. Ở giai đoạn đầu, bạn thường chỉ thấy đau khi vận động nhưng khi bệnh tiến triển nặng, đau có thể xảy ra cả khi nghỉ. Đau cách hồi là một triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên, một bệnh lý nguy hiểm gây ra bởi sự giảm dòng máu đến nuôi tay hoặc chân. Tuy nhiên may mắn là nếu được điều trị sớm và đúng cách, bạn hoàn toàn có thể duy trì được các hoạt động thể lực hàng ngày một cách bình thường.
Triệu chứng
Đau cách hồi có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Đau khi vận động: tuỳ theo vị trí hẹp của động mạch ở chân mà vị trí đau của bạn có thể là ở bàn chân, bắp chân, đùi, háng hoặc mông. Đau cách hồi có thể xảy ra ở tay nữa nhưng mà hiếm gặp hơn.
- Đau nhắc lại: các cơn đau này thường có tính chất đến rồi đi, không liên tục, nhất là khi bạn giảm cường độ hoạt động thể lực thì lại cảm thấy gần như hoàn toàn bình thường.
- Đau khi nghỉ: khi bệnh tiến triển, triệu chứng đau không chỉ xuất hiện khi vận động, khi đi lại mà thậm chí cả khi nằm hoặc ngồi yên.
- Da bị đổi màu hoặc loét: điều này xảy ra khi dòng máu dinh dưỡng bị giảm nghiêm trọng, các ngón tay hoặc ngón chân của bạn có thể đổi màu xanh tím và lạnh. Tiếp sau đó là sự xuất hiện của các vết loét.
Các triệu chứng khác có thể là:
- Đau hoặc cảm giác nóng rát
- Yếu tay hoặc chân
Khi nào cần đi khám?
Bạn cần đi khám nếu bạn thấy đau tay hoặc đau chân khi vận động. Nếu không được điều trị, đau cách hồi và bệnh động mạch ngoại biên có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và thậm chí dẫn đến những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Đau cách hồi cũng có thể làm hạn chế, cản trở sự tham gia vào các hoạt động xã hội và các hoạt động giải trí, làm ảnh hưởng đến công việc và khiến người bệnh không thể chơi thể thao được.
Nguyên nhân
Đau cách hồi là một triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên. Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng xơ vữa động mạch xảy ra ở các mạch máu ở chân và tay. Trong bệnh này, các mảng xơ vữa gồm chất béo, cholesterol và các thành phần khác bám trên thành động mạch gây hẹp lòng động mạch, khiến thành mạch máu trở nên cứng và kém đàn hồi. Những mảng xơ vữa này khiến lòng mạch trở nên nhỏ lại, dòng máu di chuyển khó khăn hơn và lượng máu đi đến nuôi những phần sau đó bị giảm. Bạn sẽ có biểu hiện đau khi cơ không được cung cấp đủ máu giàu oxy.
Tuy nhiên, xơ vữa động mạch không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra triệu chứng đau cách hồi. Những bệnh khác với triệu chứng tương tự mà bác sĩ cần phải chẩn đoán phân biệt gồm hẹp cột sống, bệnh thần kinh ngoại biên, một số bệnh cơ xương khớp và nhất là huyết khối tĩnh mạch chi dưới.
Yếu tố nguy cơ
Yếu tố nguy cơ gây đau cách hồi cũng giống như yếu tố nguy cơ gây bệnh xơ vữa động mạch, đó là:
- Hút thuốc lá
- Tăng choleterol máu
- Tăng huyết áp
- Béo phì
- Đái tháo đường
- Những người lớn hơn 70 tuổi
- Những người lớn hơn 50 tuổi nhưng có hút thuốc hoặc đái tháo đường
- Có tiền sử gia đình có bệnh xơ vữa động mạch, bệnh động mạch ngoại biên hoặc là đau cách hồi
Biến chứng
Khi dòng máu đến nuôi tay hoặc chân của bạn bị giảm nghiêm trọng, tay và chân của bạn sẽ có cảm giác đau và lạnh, ngay cả khi bạn nghỉ ngơi, không vận động. Trong các trường hợp bệnh động mạch ngoại biên rất nặng, dinh dưỡng nuôi da rất kém, các vết loét trên da sẽ trở nên khó lành. Nguy hiểm nhất là các vết loét không được điều trị sẽ lan rộng, dẫn đến hoại tử và kết cục cuối cùng là cắt cụt chi.
Chuẩn bị đi khám như thế nào?
Bạn nên chủ động hẹn khám tại cơ sở chuyên khoa về Tim mạch – mạch máu để được tư vấn và điều trị hợp lý.
Vì thời gian khám chỉ có hạn và bạn lại thường có rất nhiều điều để hỏi, do đó, để buổi khám bệnh được hiệu quả, bạn nên chuẩn bị sẵn một số thông tin từ trước khi đi khám như sau:
- Nên nhịn ăn vì nhiều khả năng bạn sẽ cần làm xét nghiệm máu
- Hãy viết xuống bất kì biểu hiện triệu chứng nào mà bạn cảm nhận thấy, bao gồm cả những điều mà mà nghĩ rằng nó ít liên quan đến bệnh của mình
- Hãy viết xuống các thông tin cá nhân quan trọng như tiền sử gia đình có bệnh mạch vành, đau ngực, bệnh tim, đột quỵ, tăng huyết áp hoặc tiểu đường và bất kì những căng thẳng hoặc thay đổi về cuộc sống gần đây mà bạn phải trải qua
- Hãy viết xuống danh sách các thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng
- Tốt nhất là hãy đi cùng một ai đó nếu có thể. Đôi khi chúng ta cảm thấy bối rối, lo lắng trước những thông tin mà ta tiếp nhận mà quên đi những điều quan trọng mà bác sĩ dặn dò. Có một người đi cùng, có thể là họ hàng hoặc bạn bè, người đó hi vọng là sẽ nhớ hộ bạn. Còn nếu không, hãy viết lại những ý chính mà bác sĩ trao đổi với bạn và hỏi lại bác sĩ xem cách bạn hiểu về bệnh của mình như thế đã đúng chưa.
- Hãy viết xuống những câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn. Vì thời gian gặp bác sĩ chỉ có hạn, bạn nên chuẩn bị sẵn những câu hỏi. Các bác sĩ của chúng tôi tại Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ sẵn lòng giải đáp các thắc mắc này. Bạn nên hỏi các câu hỏi như:
- Nguyên nhân chính gây ra triệu chứng của tôi là gì?
- Liệu còn có khả năng nào khác không?
- Tôi cần phải làm các xét nghiệm gì? Tôi có cần chuẩn bị gì trước cho các xét nghiệm đó không?
- Bệnh này của tôi là tạm thời hay lâu dài?
- Có các cách gì điều trị bệnh này và bác sĩ thấy tôi nên điều trị theo cách nào?
- Việc thay đổi lối sống có giúp làm giảm bớt bệnh của tôi không?
- Tôi còn mắc bệnh khác nữa. Việc điều trị bệnh này có ảnh hưởng gì đến bệnh kia không?
- Nếu cần phải uống thuốc, liệu thuốc đó có gây các tác dụng phụ gì không?
- Tôi có cần phải kiêng cữ gì không?
- Tôi có cần đi khám lại không? Bao lâu khám lại một lần?
- Bác sĩ có thể giới thiệu một cuốn sách nào về bệnh này phù hợp để tôi đọc thêm không? Hoặc trang web nào tôi có thể tham khảo?
Bác sĩ sẽ hỏi những gì?
Để giúp chẩn đoán bệnh, chúng tôi có thể sẽ hỏi một số câu hỏi và bạn nên chuẩn bị sẵn sàng để trả lời. Nó sẽ tiết kiệm thời gian cho cả bạn và bác sĩ. Một số câu hỏi có thể là:
- Ông/bà bắt đầu cảm thấy biểu hiện đó từ khi nào?
- Ông/bà có thấy đau khi hoạt động thể lực hay là đau khi nghỉ ngơi hay là cả hai?
- Trên thang điểm từ 1 đến 10, ông/bà chấm cơn đau của mình mấy điểm?
- Có điều gì làm cơn đau dịu đi không, ví dụ như ngừng gắng sức?
- Ông/bà có cẩn phải ngồi xuống nghỉ để cho bớt đau không hay là chỉ cần dừng lại và đứng yên một chỗ là có thể làm giảm biểu hiện đau?
- Có điều gì làm các triệu chứng đau của ông/bà nặng lên hơn không?
Xét nghiệm và chẩn đoán
Đau cách hồi là một triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, đặc biệt là các bệnh của cơ xương khớp. Đối với nhiều người, nhất là những người lớn tuổi, đôi khi họ cho rằng những cơn đau này của mình là tất yếu do tuổi cao và chỉ cần giảm đi lại một chút là sẽ đỡ đau. Chính vì vậy, đáng tiếc là các cơn đau cách hồi không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời có thể khiến cho người bệnh gặp các biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Nhưng may mắn là với các xét nghiệm chẩn đoán phù hợp, bác sĩ có thể giúp bạn chẩn đoán chính xác nguyên nhân, mức độ của bệnh và giúp bạn có thể trở lại với cuộc sống năng động hàng ngày.
Ngoài việc khám lâm sàng kiểm tra các mạch ở chân và tay, các xét nghiệm về đau cách hồi có thể được chỉ định tại Bệnh viện Tim Hà Nội là:
- Đo chỉ số cổ chân – cánh tay (ABI): chỉ số này so sánh áp lực máu ở cổ chân với áp lực máu ở cách tay của bạn
- Siêu âm mạch: cho phép bác sĩ quan sát và theo dõi dòng máu ở các vùng bị ảnh hưởng
- Chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp mạch máu: có thể chỉ ra chính xác vị trí, mức độ, số lượng mạch máu bị hẹp.
Ngoài nguyên nhân xơ vữa động mạch, bác sĩ cũng có thể chỉ định các xét nghiệm khác để chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân khác như thần kinh, cơ xương, khớp dựa vào biểu hiện đau, khám lâm sàng và tiền sử bệnh tật của từng bệnh nhân.
Điều trị và thuốc
Việc điều trị đau cách hồi và bệnh động mạch ngoại biên có thể giúp hạn chế sự tiến triển của bệnh, giảm triệu chứng, trong đó việc thay đổi lối sống là bước đầu tiên cơ bản nhất.
Nếu các triệu chứng đau cách hồi không thuyên giảm khi bạn thay đổi lối sống, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn các phương thức điều trị sau:
- Dùng thuốc: ngoài việc điều trị các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu… bác sĩ có thể kê cho bạn những thuốc làm giảm sự hình thành cục máu đông và làm loãng máu như aspirin, clopidogrel, cilostazol. Những thuốc này cũng làm tăng khả năng bị chảy máu, do đó bạn không được tự ý sử dụng nếu không có ý kiến của bác sĩ.
- Can thiệp nong bóng và đặt stent: được chỉ định cho những ca hẹp động mạch nặng. Trong thủ thuật này, bác sĩ can thiệp sẽ luồn ống thông vào mạch máu đến vị trí hẹp, sau đó bơm bóng để giảm mức độ hẹp, cuối cùng đặt những giá đỡ bằng kim loại (stent) vào chỗ hẹp để giữ cho mạch máu được mở rộng.
- Phẫu thuật mạch máu: bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng những đoạn mạch khoẻ mạnh lấy từ các vị trí khác của cơ thể, dẫn máu từ nơi có dòng chảy bình thường rồi nối bắc cầu qua chỗ hẹp để cung cấp máu đến các vùng bị ảnh hưởng bởi thiếu máu.
Thay đổi lối sống và điều trị tại nhà
Những mảng xơ vữa gây hẹp động mạch thường được bắt nguồn từ những thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Do đó, chìa khóa cho việc phòng bệnh và điều trị thành công chính là việc thay đổi lối sống, từ bỏ ngay những thói quen có hại cho sức khoẻ và xây dựng những thói quen khoa học và lành mạnh.
Dù bạn chưa được chẩn đoán hoặc đã được chẩn đoán bị đau cách hồi và mắc bệnh động mạch ngoại biên, hãy nhớ thực hiện những điều sau:
- Không hút thuốc. Thuốc lá chính là yếu tố nguy cơ nguy hiểm nhất gây ra sự hình thành và làm nặng lên bệnh động mạch ngoại biên. Hút thuốc lá làm tăng khả năng sau này bạn sẽ phải cắt cụt chi hoặc thậm chí là tử vong do các biến chứng của bệnh. Do đó, nếu đang hút thuốc, hãy bỏ thuốc ngay hôm nay, kể cả là ngửi khói thuốc lá.
- Tập thể dục. Bạn có thể đang thắc mắc rằng vận động làm khởi phát đau cách hồi, sao bác sĩ lại khuyên mình tập thể dục? Tuy nhiên, thực tế là tập thể dục giúp các cơ của bạn dễ thích nghi với tình trạng thiếu oxy và sử dụng oxy hiệu quả hơn. Sau một thời gian bạn sẽ thấy mình có thể vận động được nhiều hơn, đi lại được xa hơn mà lại ít bị đau hơn. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về các bài tập nào phù hợp với mình và cố gắng duy trì việc tập luyện thường xuyên.
- Biết và kiểm soát mức độ cholesterol máu. Nếu nồng độ cholesterol máu của bạn cao hơn ngưỡng cho phép, bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc để làm giảm cholesterol máu. Bạn nên duy trì một chế độ ăn giảm chất béo, tăng cường hoa quả, rau, ngũ cốc, các loại đậu. Việc kết hợp tập thể dục và một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bạn kiểm soát tốt huyết áp và cholesterol máu, là những yếu tố tạo nên xơ vữa động mạch.
- Tránh sử dụng một số thuốc. Không được sử dụng các loại thuốc gây co thắt mạch máu. Một số thuốc điều trị viêm xoang và cảm lạnh được bán tự do ngoài hiệu thuốc, có chứa những chất gây co thắt mạch máu. Do đó, hãy hỏi bác sĩ của bạn xem bạn cần nên tránh những thuốc nào.
- Tránh các vết thương ở bàn chân và chân. Giảm dòng máu đến nuôi các mô ở chân sẽ làm tăng khả năng bạn gặp biến chứng từ các vết thương này như vết thương lâu lành, loét, hoại tử và cắt cụt chi. Bạn nên đi tất, đi giày hoặc dép mềm khi tham gia các hoạt động dễ khiến cho bạn bị thương.
- Giữ chân ở dưới mức tim. Điều này giúp tăng cường dòng máu đến chân của bạn. Để đảm bảo dòng máu chảy đến chân và bàn chân của bạn được thuận lợi khi nằm ngủ, bạn có thể nâng đầu giường lên cao hơn một chút hoặc hạ chân giường xuống một chút.
Bệnh viện Tim Hà Nội là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về Tim mạch của Hà Nội và cả nước. Chúng tôi tiếp nhận khám và điều trị tất cả các mặt bệnh về Tim mạch tại hai cơ sở của Bệnh viện. Nếu bạn có băn khoăn gì về sức khoẻ tim mạch của mình, hãy liên hệ ngay với chúng tôi tại đây
Bài viết này được soạn bởi các bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Vui lòng ghi rõ nguồn trích dẫn nếu bạn trích dẫn lại bài viết này.
Xin cảm ơn các bạn đã đọc và chúc các bạn có một trái tim khoẻ!
Bạn vui lòng đăng nhập tại đây để gửi bình luận.