HỒI HỘP

Định nghĩa

Hồi hộp do tim là cảm giác tim đập nhanh, rộn ràng hoặc đập thình thịch. Cảm giác này có thể gây ra bởi căng thẳng, vận động, do dùng thuốc hoặc có thể là do một tình trạng bệnh lý.

Mặc dù hồi hộp do tim có thể khiến bạn lo lắng nhưng hầu hết cảm giác hồi hộp này là vô hại. Trong một số hiếm trường hợp, hồi hộp có thể là triệu chứng của một tình trạng tim mạch nghiêm trọng hơn, ví dụ như rối loạn nhịp tim mà có thể đến mức bạn cần phải điều trị.

Triệu chứng

Những bệnh nhân đi khám vì hồi hộp, có thể còn mô tả các triệu chứng như:

  • Tim đập quá nhanh
  • Bỏ nhịp
  • Rộn ràng
  • Tim đập mạnh hơn bình thường, đôi khi cảm giác tim như muốn “rơi” ra khỏi lồng ngực

Ngoài ra, một số người còn cảm thấy mạch như đang đập ở trên cổ, ở họng. Hồi hộp do tim có thể xảy ra khi bạn đang gắng sức hoặc khi bạn đang nghỉ, bất kể là bạn đang đứng hay ngồi hay nằm.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Những cơn hồi hộp không thường xuyên, kéo dài vài giây thì thường là không cần kiểm tra. Nhưng nếu bạn có tiền sử bệnh tim mạch, có các cơn hồi hộp ở tim xảy ra thường xuyên hoặc có các cơn hồi hộp nặng dần lên thì hãy đặt hẹn khám với bác sĩ.

Tuy nhiên, bạn cần khám cấp cứu nếu bạn bị hồi hộp kèm theo các dấu hiệu sau:

  • Đau ngực
  • Ngất xỉu
  • Khó thở dữ dội
  • Chóng mặt nhiều

Nguyên nhân

Đôi khi người ta không tìm thấy nguyên nhân của các cơn hồi hộp ở tim. Tuy nhiên, các nguyên nhân sau thường được thấy như:

  • Phản ứng tâm lý quá mức, ví dụ như quá lo lắng, căng thẳng
  • Tập thể dục quá sức
  • Dùng cà phê
  • Sử dụng nicotine (có trong thuốc lá)
  • Sốt
  • Thay đổi hormone có liên quan với chu kì kinh nguyện, có thai hoặc mãn kinh
  • Dùng các thuốc ho, cảm cúm có chứa pseudoephedrine, là một chất kích thích nhịp tim nhanh
  • Dùng một số thuốc xịt hoặc thuốc hít chữa hen phế quản mà có chứa các chất gây nhịp nhanh.

Có điều là, đôi khi hồi hộp do tim có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng hơn ví dụ như là do tuyến giáp hoạt động quá mức (cường chức năng tuyến giáp) hoặc do các rối loạn nhịp tim bất thường. Rối loạn nhịp tim có thể gây ra tim nhịp rất nhanh (rối loạn nhịp nhanh), đôi khi làm nhịp tim chậm (rối loạn nhịp chậm) và đôi khi là loạn nhịp.

Các yếu tố nguy cơ

Bạn sẽ bị tăng nguy cơ bị hồi hộp do tim nếu như:

  • Căng thẳng quá độ
  • Có các rối loạn lo âu hoặc thường xuyên trải qua các cơn hoảng sợ
  • Có thai
  • Uống các thuốc chứa các chất kích thích nhịp tim nhanh
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường chức năng giáp trạng)
  • Có các vấn đề về tim mạch khác, ví dụ như các bệnh rối loạn nhịp, bệnh tim bẩm sinh hoặc tiền sử bị nhồi máu cơ tim.

Biến chứng

Nếu không phải do nguyên nhân từ một bệnh lý tim tiềm ẩn gây ra thì những cơn hồi hộp thoáng qua đó có rất ít khả năng gây biến chứng. Khi gây ra bởi các bệnh tim, các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra là:

  • Ngất. Nếu nhịp tim đột nhiên tăng vọt thì huyết áp của bạn có thể bị tụt nhanh chóng khiến bạn có thể ngất đi. Nếu điều này xảy ra, nhiều khả năng bạn có vấn đề về tim mạch, ví dụ như bị rối loạn nhịp tim, bệnh tim bẩm sinh…
  • Ngừng tim. Mặc dù rất hiếm nhưng triệu chứng hồi hộp lại có thể gây ra bởi những rối loạn nhịp tim nguy hiểm chết người khiến tim có thể ngừng đập.
  • Đột quỵ. Nếu hồi hộp là do rung nhĩ, một tình trạng rối loạn nhịp tim trong đó các buồng tim phía trên chỉ rung lên, co bóp hỗn loạn khiến máu không được bơm một cách hiệu quả xuống các buồng tim dưới. Điều này đã tạo thuận lợi cho sự hình thành các cục máu đông trong các buồng tim phía trên. Khi các cục máu đông này bong ra, trôi theo dòng máu, chúng có thể gây tắc mạch máu não, gọi là đột quỵ.
  • Suy tim. Sau một thời gian dài bơm máu không hiệu quả, ví dụ như do rối loạn nhịp tim, tim có thể bị suy. Đôi khi chỉ cần kiểm soát tần số tim ổn định là cũng đã có thể cải thiện tình trạng suy tim cho bệnh nhân.

Chuẩn bị đi khám như thế nào

Một điều cần nhắc lại là nếu bạn có các cơn hồi hộp kèm với khó thở, đau ngực hoặc ngất, bạn cần khám cấp cứu ngay. Hãy gọi số điện thoại cấp cứu 115 hoặc trừ khi không thể gọi được xe cấp cứu, hãy nhờ ai đó đưa bạn đến thẳng phòng cấp cứu của một cơ sở y tế nào gần nhất.

Nếu những cơn hồi hộp ngắn và không kèm theo các dấu hiệu đáng lo ngại nào thì bạn có thể đặt hẹn khám. Thông thường bạn nên đặt hẹn khám với bác sĩ tim mạch để chẩn đoán hoặc loại trừ các bệnh lý tim mạch nguy hiểm.

Để buổi khám bệnh diễn ra thuận lợi và có chất lượng, bạn nên chuẩn bị một số việc sau trước khi đi khám:

  • Nên nhịn ăn trước khi đi khám vì nhiều khả năng bạn cần phải xét nghiệm máu
  • Hãy viết xuống bất kì biểu hiện triệu chứng nào mà bạn cảm nhận thấy
  • Hãy viết xuống các thông tin cá nhân quan trọng như tiền sử gia đình có bệnh mạch vành, đau ngực, bệnh tim, đột quỵ, tăng huyết áp hoặc tiểu đường và bất kì những căng thẳng hoặc thay đổi về cuộc sống gần đây mà bạn phải trải qua
  • Hãy viết xuống danh sách các thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng
  • Tốt nhất là hãy đi cùng một ai đó nếu có thể. Đôi khi chúng ta cảm thấy bối rối, lo lắng trước những thông tin mà ta tiếp nhận mà quên đi những điều quan trọng mà bác sĩ dặn dò. Có một người đi cùng, có thể là họ hàng hoặc bạn bè, người đó hi vọng là sẽ nhớ hộ bạn. Còn nếu không, hãy viết lại những ý chính mà bác sĩ trao đổi với bạn và hỏi lại bác sĩ xem cách bạn hiểu về bệnh của mình như thế đã đúng chưa.
  • Hãy viết xuống những câu hỏi để hỏi bác sĩ. Vì thời gian gặp bác sĩ chỉ có hạn, bạn nên chuẩn bị sẵn những câu hỏi. Các bác sĩ của chúng tôi tại Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ sẵn lòng giải đáp các thắc mắc này. Bạn nên hỏi các câu hỏi như:
    • Nguyên nhân chính gây ra triệu chứng của tôi là gì?
    • Liệu còn có khả năng nào khác không?
    • Tôi cần phải làm gì nếu triệu chứng này tái phát?
    • Tôi cần phải làm các xét nghiệm gì? Tôi có cần chuẩn bị gì trước cho các xét nghiệm đó không?
    • Tôi có cần phải điều trị không? Nếu có thì đó là những cách gì?
    • Tôi có cần phải kiêng khem gì không?
    • Tôi nên tập luyện thể lực như thế nào?
    • Tôi còn mắc bệnh khác nữa. Việc điều trị bệnh này có ảnh hưởng gì đến bệnh kia không?
    • Có loại thuốc thay thế giá rẻ cho loại thuốc bác sĩ vừa kê không?
    • Tôi có cần đi khám lại không? Bao lâu khám lại một lần?
    • Bác sĩ có thể giới thiệu một cuốn sách nào về bệnh này phù hợp để tôi đọc thêm không? Hoặc trang web nào tôi có thể tham khảo?

Đừng ngần ngại nếu bạn còn muốn hỏi thêm gì nữa.

Bác sĩ sẽ hỏi những gì?

Để khoanh vùng nguyên nhân gây hồi hộp cho bạn, chúng tôi có thể sẽ hỏi một số câu hỏi và bạn nên chuẩn bị sẵn sàng để trả lời. Nó sẽ tiết kiệm thời gian cho cả bạn và bác sĩ. Một số câu hỏi có thể là:

  • Ông/bà bắt đầu cảm thấy hồi hộp từ khi nào?
  • Các triệu chứng này xảy ra liên tục hay là từng cơn?
  • Có khi nào ông/bà có những cơn hồi hộp tự nhiên xuất hiện rồi lại tự nhiên biến mất chưa?
  • Các cơn hồi hộp của ông/bà có theo một dạng nào không, ví dụ như là cùng xảy ra vào một thời điểm trong ngày hoặc chỉ xuất hiện khi ông/bà làm một việc gì đó?
  • Ống/bà có cảm thấy tim đập vẫn đều khi bị hồi hộp không?
  • Có điều gì làm triệu chứng này nặng hơn không?
  • Có điều gì làm triệu chứng của ông/bà đỡ đi không?
  • Ông/bà đã bao giờ có các triệu chứng khác như khó thở, tức ngực, ngất hoặc chóng mặt khi ông bà bị hồi hộp không?
  • Ông/bà đã bao giờ được chẩn đoán bệnh tim trước đây chưa?

Có thể làm gì trong lúc này?

Trong thời gian chờ đi khám, bạn hãy cố gắng cải thiện các triệu chứng của mình bằng cách tránh các hoạt động thể chất hoặc các căng thẳng mà chúng có thể khiến bạn bị hồi hộp. Ngoài ra bạn cũng nên tránh lo lắng, sợ hãi, tránh uống cà phê, trà, rượu bia, hút thuốc lá, nước uống tăng lực và một số loại thuốc chứa các chất kích thích nhịp tim nhanh như thuốc cảm cúm, thuốc chống nghẹt mũi, thuốc chữa hen…

Xét nghiệm và chẩn đoán

Khi đến khám tại Bệnh viện Tim Hà Nội, để chẩn đoán bệnh, trước tiên bác sĩ sẽ khám thực thể và nghe tim của bạn bằng ống nghe. Ngoài việc làm các xét nghiệm để chẩn đoán các nguyên nhân ngoài tim mạch (đặc biệt là các xét nghiệm hormone tuyến giáp), để tìm nguyên nhân tim mạch, các bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm sau:

  • Điện tâm đồ (ECG). Các điều dưỡng sẽ gắn các dây nối điện cực lên ngực, tay và chân của bạn để ghi lại các xung động điện học khi tim đập.

Hình ảnh điện tâm đồ có thể giúp bác sĩ phát hiện ra các bất thường về nhịp tim cũng như về cấu trúc của tim mà có thể là nguyên nhân gây ra hồi hộp. Ngoài việc làm điện tâm đồ khi nghỉ, bác sĩ cũng có thể chỉ định điện tâm đồ gắng sức để xem các rối loạn nhịp có xảy ra hoặc mất đi khi bạn gắng sức không.

  • Holter điện tim. Holter điện tim là một thiết bị di động có thể đo điện tim liên tục, thường là trong 24 đến 72 giờ. Đây là một thiết bị rất hữu hiệu để phát hiện các rối loạn nhịp mà điện tâm đồ thường quy không phát hiện được.
  • Thiết bị theo dõi sự kiện. Thiết bị này được chỉ định cho những người bị các rối loạn nhịp tim thưa, ít mà điện tâm đồ thường và Holter điện tim không phát hiện ra. Thông thường bạn sẽ được mượn thiết bị này trong 2 tuần và nên đeo nó càng nhiều càng tốt. Khi bạn thấy có triệu chứng, chỉ cần bấm nút, máy sẽ tự động ghi lại điện tim ở thời điểm đó.
  • Siêu âm tim. Siêu âm tim sử dụng sóng âm để ghi lại hình ảnh của trái tim đang đập. Bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò siêu âm, đặt và di trên ngực trái của bạn để quan sát và đánh giá về cấu trúc và chức năng tim.

Điều trị và dùng thuốc

Nếu các cơn hồi hộp chỉ thoáng qua và không kèm bất kì dấu hiệu nào khác thì thông thường bạn không cần phải dùng thuốc. Bác sĩ có thể sẽ chỉ hướng dẫn bạn một số cách thức thay đổi lối sống để hạn chế kích thích cảm giác hồi hộp này.

Nếu hồi hộp là triệu chứng của một bệnh lý nền, ví dụ như bệnh tim mạch, bệnh tuyến giáp, do dùng thuốc… thì việc điều trị các bệnh lý này ổn định sẽ cải thiện triệu chứng cho bạn.

Thay đổi lối sống và điều trị tại nhà

Những mẹo sau không chỉ có lợi trong việc giảm cảm giác hồi hộp cho bạn mà nó còn giúp bạn có một cuộc sống khoẻ mạnh mà bạn đáng được có. Hãy áp dụng một số cách đơn giản sau đây:

  • Giảm căng thẳng và lo lắng. Căng thẳng và lo lắng là bạn đồng hành của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hạn chế được thông qua các hoạt động thể dục, tập thiền, yoga, dưỡng sinh. Hãy tham gia một câu lạc bộ hoặc chỉ đơn giản là mở Youtube lên và tập theo hướng dẫn của một Youtuber mà bạn yêu thích. Tuy nhiên, nên hạn chế thời gian xem trong ngày, ví dụ như 30 đến 60 phút và chia ra làm nhiều lần.
  • Tránh các chất kích thích. Các chất kích thích như cà phê, trà, thuốc lá, rượu, bia, nước tăng lực và một số loại thuốc cảm, thuốc trị hen có thể khiến cho nhịp tim bạn tăng nhanh. Ngoài ra, các chất gây nghiện như cocaine và amphetamine có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm chết người ngoài việc làm nhịp tim nhanh.

 

Bệnh viện Tim Hà Nội là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về Tim mạch của Hà Nội và cả nước. Chúng tôi tiếp nhận khám và điều trị tất cả các mặt bệnh về Tim mạch tại hai cơ sở của Bệnh viện. Nếu bạn có băn khoăn gì về sức khoẻ tim mạch của mình, hãy liên hệ ngay với chúng tôi tại đây

Bài viết này được soạn bởi các bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội.

Vui lòng ghi rõ nguồn trích dẫn nếu bạn trích dẫn lại bài viết này.

Xin cảm ơn các bạn đã đọc và chúc các bạn có một trái tim khoẻ!

 

 


Danh mục: Các triệu chứng tim mạch thường gặp

Bình luận
Bài viết liên quan