TIẾNG THỔI Ở TIM

Định nghĩa

Một tiếng tim bình thường gồm có hai tiếng là “bùm” và “tặc”, được tạo ra do sự đóng mở của các van tim. Nhưng nếu trong tim có các điểm dòng máu bị nhiễu động, dòng máu bị tăng tốc độ đột ngột sẽ tạo nên các tiếng thổi kiểu như những tiếng phù phù hoặc phụt phụt. Thông thường bác sĩ sẽ dùng ống nghe để nghe các âm thanh này rõ hơn.

Tiếng thổi ở tim có thể có ngay từ khi mới sinh (bệnh tim bẩm sinh) hoặc là phát triển sau này. Tiếng thổi ở tim bản thân nó không phải là một bệnh mà là dấu hiệu chỉ điểm một bệnh nền đang có.

Một số tiếng thổi không cần điều trị (tiếng thổi vô tội) nhưng phần lớn các tiếng thổi ở tim cần phải được khám và làm một số xét nghiệm để chắc chắn rằng các tiếng thổi này không phải gây ra bởi các bệnh lý nền nguy hiểm.

Triệu chứng

Nếu bác sĩ xác định tiếng thổi của bạn là tiếng thổi vô tội, tiếng thổi không gây ra ảnh hưởng có hại nào thì bạn cũng sẽ không có bất kì dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác.

Những tiếng thổi bất thường có thể không kèm theo các dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng. Nhưng nếu bạn có kèm theo một hoặc nhiều các dấu hiệu sau đây, rất có thể tiếng thổi đó bắt nguồn từ một bệnh lý tim mạch thực thể:

  • Da có màu xanh tím, đặt biệt là ở đầu ngón tay và môi
  • Phù hoặc tăng cân bất thường
  • Khó thở
  • Ho kéo dài
  • Gan to hoặc tức nặng vùng dưới sườn bên phải
  • Giãn các tĩnh mạch ở cổ
  • Kém ăn, chán ăn và chậm lớn (ở trẻ nhỏ)
  • Vã mồ hôi khi gắng sức hoặc thậm chí là khi không gắng sức
  • Đau ngực
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu

Khi nào cần đi khám?

Không phải mọi tiếng thổi ở tim đều nguy hiểm nhưng nếu bạn nghi ngờ mình hoặc con mình có tiếng thổi ở tim thì bạn nên đi khám tim mạch để kiểm tra. Bác sĩ sẽ xác định cho bạn biết tiếng thổi của bạn là tiếng thổi vô hại, không cần phải điều trị hay là loại tiếng thổi gợi ý một bệnh lý cần phải thăm dò kiểm tra thêm.

Nguyên nhân

Những người có tiếng thổi vô tội thì có trái tim bình thường, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Ngược lại, tiếng thổi bất thường gây ra bởi trái tim bệnh lý. Ở trẻ nhỏ, tiếng thổi bất thường thường gây ra bởi bệnh tim bẩm sinh, trong khi đó ở người lớn, tiếng thổi bất thường thường do các bệnh lý van tim mắc phải tạo nên.

Các nguyên nhân của tiếng thổi vô tội

Một dòng máu di chuyển với tốc độ nhanh trong một trái tim bình thường cũng có thể gây nên tiếng thổi vô tội. Những trường hợp đó bao gồm:

  • Vận động thể lực hoặc tập thể dục quá mức
  • Có thai
  • Sốt
  • Tình trạng không đủ tế bào máu đỏ khoẻ mạnh để mang đủ oxy đến các mô của cơ thể (thiếu máu)
  • Tăng quá mức hormone của tuyến giáp trong máu (cường chức năng tuyến giáp)
  • Ở những giai đoạn cơ thể phát triển nhanh, ví dụ như tuổi dạy thì

Các nguyên nhân của tiếng thổi bất thường

Tiếng thổi bất thường ở trẻ em phần lớn bắt nguồn từ bệnh tim bẩm sinh. Các bệnh tim bẩm sinh thường gặp là:

  • Có một (hoặc nhiều) lỗ thủng trong tim hoặc có các luồng máu thông bất thường. Các lỗ thủng bất thường trong tim thường nằm ở trên vách ngăn cách các buồng tim. Những lỗ thủng này có gây nguy hiểm hay không còn tuỳ thuộc vào vị trí và kích thước của chúng. Những luồng máu thông bất thường giữa các buồng tim hoặc giữa các mạch máu lớn của tim cũng gây nên tiếng thổi bất thường ở tim.
  • Các bất thường về van tim. Các bệnh van tim bẩm sinh xuất hiện ngay từ khi trẻ mới ra đời nhưng không phải lúc nào trẻ cũng có biểu hiện triệu chứng và bệnh chỉ được phát hiện khi trẻ lớn lên. Ví dụ như các van tim không mở ra được bình thường khiến dòng máu đi qua van trở nên khó khăn (bệnh hẹp van) hoặc các van đóng không bình thường khiến cho có một lượng máu bị rò rỉ (bệnh hở van).

Những nguyên nhân khác thường xuất hiện ở trẻ lớn hoặc ở người trưởng thành bao gồm nhiễm khuẩn và các bệnh làm tổn thương các cấu trúc của tim. Ví dụ như:

  • Vôi hoá van tim. Khi chúng ta già đi, các van tim cũng có thể trở nên dày và cứng, gây ra bệnh hẹp van hai lá và hẹp van động mạch chủ. Các van này trở nên nhỏ hơn khiến cho dòng máu đi qua van khó khăn và tạo ra tiếng thổi.
  • Viêm màng trong tim (viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn). Điều này xảy ra khi vi khuẩn bị lây nhiễm từ các nơi khác trong cơ thể, ví dụ như từ miệng, di chuyển theo dòng máu rồi đến trú ngụ ở lớp màng trong của tim. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm màng trong tim có thể làm tổn thương và huỷ hoại các van tim.
  • Thấp tim. Với sự phát triển của y học và đời sống xã hội, số lượng người mới mắc bệnh thấp tim hiện nay ngày càng giảm nhưng số lượng những người trưởng thành mắc bệnh van tim do thấp tim từ những năm trước còn lại vẫn rất nhiều. Nếu trẻ bị thấp tim, mà thường khởi đầu bằng một viêm họng, không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tổn thương van tim vĩnh viễn hoàn toàn có thể xảy ra.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bạn có tiếng thổi ở tim là:

  • Tiền sử gia đình có bệnh tim. Nếu bố mẹ, anh chị em của bạn có dị tật ở tim thì khả năng bạn hoặc con bạn cũng có dị tật tim và tiếng thổi bất thường sẽ tăng lên.
  • Các bệnh lý khác như huyết áp cao không kiểm soát, cường chức năng tuyến giáp, nhiễm khuẩn màng trong tim (viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn), tăng áp lực động mạch phổi, hội chứng carcinoid, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, thấp khớp cấp, suy tim hoặc tiền sử sốt thấp có thể làm tăng nguy cơ bạn sẽ có tiếng thổi ở tim sau này.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng con bạn có tiếng thổi ở tim là:

  • Các bệnh của mẹ trong thời kì mang thai. Một số bệnh mà bà mẹ mang thai mắc phải như đái tháo đường không kiểm soát được hoặc nhiễm virus rubella sẽ làm tăng khả năng em bé sinh ra có tiếng thổi ở tim và có bệnh tim bẩm sinh
  • Sử dụng một số thuốc hoặc chất cấm trong thời kì mang thai như rượu, chất gây nghiện có thể gây hại đến thai nhi khiến thai nhi mắc bệnh tim và có tiếng thổi ở tim.

Chuẩn bị đi khám như thế nào?

Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc con mình có tiếng thổi ở tim, hãy đặt hẹn khám với bác sĩ chuyên khoa về tim mạch. Điều quan trọng là cần phải loại trừ các bệnh lý nguy hiểm gây ra tiếng thổi đó, mặc dù phần lớn các tiếng thổi nhỏ thường là vô hại.

Vì thời gian khám chỉ có hạn và bạn lại thường có rất nhiều điều để hỏi, do đó, để buổi khám bệnh được hiệu quả, bạn nên chuẩn bị sẵn một số thông tin từ trước khi đi khám như sau:

  • Nên nhịn ăn vì có những loại siêu âm tim cần bạn nhịn ăn trong vài giờ trước khi thực hiện
  • Hãy viết xuống bất kì biểu hiện triệu chứng nào mà bạn hoặc con bạn cảm nhận thấy, bao gồm cả những điều mà mà nghĩ rằng nó ít liên quan đến bệnh của mình
  • Hãy viết xuống các thông tin cá nhân quan trọng như tiền sử gia đình có tiếng thổi ở tim, rối loạn nhịp tim, dị tật ở tim, bệnh động mạch vành, các rối loạn về gen, đột quỵ, tăng huyết áp hoặc tiểu đường và bất kì những căng thẳng hoặc thay đổi về cuộc sống gần đây mà bạn phải trải qua
  • Hãy viết xuống danh sách các thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng mà bạn hoặc con bạn đang dùng
  • Tốt nhất là hãy đi cùng một ai đó nếu có thể. Đôi khi chúng ta cảm thấy bối rối, lo lắng trước những thông tin mà ta tiếp nhận mà quên đi những điều quan trọng mà bác sĩ dặn dò. Có một người đi cùng, có thể là họ hàng hoặc bạn bè, người đó hi vọng là sẽ nhớ hộ bạn. Còn nếu không, hãy viết lại những ý chính mà bác sĩ trao đổi với bạn và hỏi lại bác sĩ xem cách bạn hiểu về bệnh của mình như thế đã đúng chưa.
  • Hãy viết xuống những câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn. Vì thời gian gặp bác sĩ chỉ có hạn, bạn nên chuẩn bị sẵn những câu hỏi. Các bác sĩ của chúng tôi tại Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ sẵn lòng giải đáp các thắc mắc này. Bạn nên hỏi các câu hỏi như:
    • Nguyên nhân chính gây ra tiếng thổi ở tim của tôi là gì?
    • Liệu còn có khả năng nào khác không?
    • Tôi cần phải làm các xét nghiệm gì? Tôi có cần chuẩn bị gì trước cho các xét nghiệm đó không?
    • Bệnh này của tôi là tạm thời hay lâu dài?
    • Phương pháp điều trị tốt nhất hoặc là theo dõi như thế nào? Ngoài phương pháp đó ra thì còn có cách điều trị nào khác không?
    • Việc thay đổi lối sống có giúp làm giảm bớt bệnh của tôi không?
    • Tôi có cần phải kiêng cữ gì về chế độ ăn uống hoặc tập luyện không?
    • Tôi có cần đi khám lại không? Bao lâu khám lại một lần?
    • Bác sĩ có thể giới thiệu một cuốn sách nào về bệnh này phù hợp để tôi đọc thêm không? Hoặc trang web nào tôi có thể tham khảo?

Bác sĩ sẽ hỏi những gì?

Để giúp chẩn đoán bệnh, chúng tôi có thể sẽ hỏi một số câu hỏi và bạn nên chuẩn bị sẵn sàng để trả lời. Nó sẽ tiết kiệm thời gian cho cả bạn và bác sĩ. Một số câu hỏi có thể là:

  • Ông/bà hoặc con ông/bà bắt đầu thấy biểu hiện đó từ khi nào?
  • Triệu chứng đó kéo dài liên tục hay từng lúc?
  • Các triệu chứng đó khó chịu đến mức nào?
  • Ông/bà có khi nào thấy da đổi màu tím không?
  • Ông/bà có thấy khó thở không? Khi nào thì bị khó thở?
  • Ông/bà có ngất bao giờ không?
  • Ông/bà có đau ngực không?
  • Ông/bà có thấy chân mình bị phù bao giờ không?
  • Ông/bà cảm thấy thế nào khi tập thể dục?
  • Ông/bà đã dùng chất cấm bao giờ chưa?
  • Ông/bà đã từng bị thấp tim chưa?
  • Có ai trong gia đình ông/bà có tiếng thổi ở tim hoặc bị bệnh van tim chưa?

Xét nghiệm và chẩn đoán

Bác sĩ thường sử dụng ống nghe để nghe tim tìm tiếng thổi ở tim. Để chẩn đoán sâu hơn đó là tiếng thổi vô tội hay tiếng thổi bệnh lý, bác sĩ sẽ cần dựa vào các tính chất như:

  • Tiếng thổi nghe to mức nào? Có 6 mức đánh giá cường độ của tiếng thổi trong đó 6 là mức lớn nhất
  • Tiếng thổi nghe thấy ở chỗ nào của tim và có nghe rõ hơn ở cổ hay ở lưng không?
  • Điều gì ảnh hưởng đến tiếng thổi? Thay đổi tư thế hoặc vận động có làm ảnh hưởng đến tiếng thổi không?
  • Khi nào xuất hiện tiếng thổi và kéo dài bao lâu? Nếu tiếng thổi xảy ra khi tim trong thời kì tim đổ đầy máu (tiếng thổi tâm trương) hoặc khi tim co bóp tống máu (tiếng thổi tâm thu) thì có thể là bạn có vấn đề tim mạch thực sự. Bạn hoặc con bạn cần phải làm thêm các xét nghiệm thăm dò sâu hơn để xem vấn đề đó là gì.

Ngoài ra bác sĩ cũng sẽ tìm kiếm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tim và hỏi bạn về tiền sử bệnh tật cũng như tiền sử gia đình có ai có tiếng thổi ở tim hoặc các bệnh lý tim mạch khác chưa.

Các xét nghiệm chẩn đoán khác

Nếu nghi ngờ đó là tiếng thổi bệnh lý, các xét nghiệm khác mà tại Bệnh viện Tim Hà Nội bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn hoặc con bạn làm là:

  • Chụp Xquang tim phổi. Xquang tim phổi cho thấy hình ảnh của tim, phổi và các mạch máu. Nếu Xquang có hình bóng tim to thì rất có thể bạn có một bệnh lý tim nền gây ra tiếng thổi ở tim.
  • Điện tâm đồ (ECG). Bạn sẽ được gắn các điện cực lên ngực và tay chân để ghi lại hoạt động điện của tim. Điện tâm đồ giúp bác sĩ kiểm tra nhịp tim và các vấn đề về cấu trúc tim.
  • Siêu âm tim. Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm để ghi lại hình ảnh về cấu trúc và chức năng tim. Siêu âm tim cho phép phát hiện các bất thường cấu trúc van (dày, vôi hoá hay hở van) cũng như hầu hết các dị tật tim khác.
  • Thông tim. Để tiến hành thủ thuật này, bác sĩ sẽ luồn một ống thông qua tĩnh mạch hoặc động mạch ở tay hoặc chân của bạn cho tới tim để đo áp lực ở các buồng tim và có thể là các mạch máu lớn của tim (động mạch chủ, động mạch phổi).

Điều trị

Với tiếng thổi vô tội thì không cần điều trị gì về tim mạch vì cấu trúc tim không có bất thường. Nếu tiếng thổi vô tội là biểu hiện của một bệnh lý khác ngoài tim mạch (thiếu máu, cường giáp…) thì điều trị ổn các nguyên nhân đó, tiếng thổi vô tội sẽ tự động biến mất.

Không phải tiếng thổi bất thường nào ở tim cũng cần phải điều trị. Tuỳ theo nguyên nhân gây tiếng thổi, mức độ nặng của bênh lý nền đó mà bác sĩ có thể chỉ định theo dõi định kì, điều trị bằng thuốc hoặc điều trị bằng can thiệp tim mạch hoặc phẫu thuật.

Phẫu thuật

Nhiều bệnh van tim không thể điều trị chỉ bằng uống thuốc. Tuỳ thuộc vào từng bệnh khác nhau mà chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn các phương pháp xử lý khác nhau:

Sửa van

Đế sửa van, các thủ thuật và phẫu thuật có thể được chỉ định là:

  • Nong van bằng bóng qua da. Thủ thuật này được thực hiện để mở rộng lỗ van bị hẹp. Trong đó, bác sĩ can thiệp sẽ sử dụng một bóng có thể dãn nở, gắn ở đầu của ống thông. Khi luồn ống thông có gắn bóng đó đến vị trí của van bị hẹp, bác sĩ sẽ bơm bóng lên để nong rộng lỗ van.
  • Phẫu thuật đặt vòng van. Bác sĩ phẫu thuật sẽ hỗ trợ các mô xung quanh van bằng cách gắn một vòng van nhân tạo giúp cho các lá van sát lại gần nhau hơn và giảm mức độ hở của van.
  • Sửa các cấu trúc của bộ máy van. Tuỳ theo từng loại tổn thương mà bác sĩ phẫu thuật có thể làm ngắn hoặc thay thế các dây chằng hoặc cột cơ của van. Khi các cấu trúc này có chiều dài phù hợp thì các lá van sẽ khép kín và hạn chế hở van.
  • Phẫu thuật sửa lá van. Cũng tuỳ theo thương tổn ở lá van, bác sĩ phẫu thuật có thể tách rời, cắt hoặc khâu các lá van

Thay van

Khi tổn thương van quá phức tạp để sửa van, việc thay van có thể phải đặt ra. Những dạng thay van tim được tiến hành bao gồm:

  • Phẫu thuật tim hở. Trong phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ mở xương ức, gắn các thiết bị hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp trước khi cho quả tim ngừng đập. Sau đó, họ rạch một đường nhỏ để đi vào quả tim, thay van tim bị hỏng của bệnh nhân bằng một van tim cơ học hoặc bằng mô sinh học.

            Van cơ học được làm từ kim loại nên rất bền theo thời gian nhưng lại có khả năng tạo huyết khối. Do đó, người mang van cơ học phải uống thuốc chống đông suốt đời để ngăn ngừa huyết khối.

Van sinh học có thể là từ van của lợn, bò hoặc của người chết hiến tặng. Van sinh học thì không bền, có thể phải thay lại sau một số năm nhưng người bệnh lại không bắt buộc phải dùng thuốc chống đông.

Tuỳ theo độ tuổi và các yếu tố khác, bác sĩ sẽ giải thích kĩ lợi ích và nguy cơ của từng loại van và cùng bàn bạc với bạn về lựa chọn phù hợp nhất.

  • Phẫu thuật thay van động mạch chủ qua da. Đây là một dạng phẫu thuật ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật tim hở, trong đó van động mạch chủ bị hỏng của bệnh nhân được thay bằng một van nhân tạo với đường vào là từ động mạch ở đùi hoặc qua một lỗ nhỏ xuyên qua ngực.

            Thay van động mạch chủ qua da thường được chỉ định cho những bệnh nhân hẹp van động mạch chủ nặng mà có nguy cơ cao bị các biến chứng từ phẫu thuật tim hở.

Một điều quan trọng bạn cần phải nhớ đó là đối với những người mang van tim nhân tạo hoặc có một số bệnh tim bẩm sinh nhất định, trước khi làm các thủ thuật liên quan đến răng miệng hoặc trước các phẫu thuật khác, bệnh nhân cần được dùng một liều kháng sinh để phòng khả năng vi khuẩn từ các thủ thuật hoặc phẫu thuật đó gây nhiễm khuẩn màng trong tim (viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn).

Phòng bệnh

Đối với tiếng thổi trong tim, không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Tiếng thổi ở tim không phải là một bệnh và thường là vô hại. Với trẻ con, nhiều tiếng thổi có thể biến mất khi trẻ lớn lên. Ở người trưởng thành, nhiều tiếng thổi có thể mất đi khi các bệnh lý gây ra chúng được điều trị.

 

Bệnh viện Tim Hà Nội là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về Tim mạch của Hà Nội và cả nước. Chúng tôi tiếp nhận khám và điều trị tất cả các mặt bệnh về Tim mạch tại hai cơ sở của Bệnh viện. Nếu bạn có băn khoăn gì về sức khoẻ tim mạch của mình, hãy liên hệ ngay với chúng tôi tại đây

Bài viết này được soạn bởi các bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội.

Vui lòng ghi rõ nguồn trích dẫn nếu bạn trích dẫn lại bài viết này.

Xin cảm ơn các bạn đã đọc và chúc các bạn có một trái tim khoẻ!


Danh mục: Các triệu chứng tim mạch thường gặp

Bình luận
Bài viết liên quan