Hướng dẫn năm 2017 về phòng ngừa, phát hiện, đánh giá và quản lý tăng huyết áp ở người lớn: Báo cáo của trường môn Tim mạch hòa kỳ /ACC/AHA/AAPA/ABC/ACPM/AGS/APHA/ASH/ASPC/NMA/PCNA

Nhóm công tác Hiệp hội Tim về Hướng dẫn Thực hành lâm sàng.

J Card Coll 2017, ngày 13 tháng 11: [Bản điện tử trước khi in].

Whelton PK, Carey RM, Aronow WS, và các cộng sự


Sau đây là những điểm chính cần nhớ từ Hướng dẫn năm 2017 về Phòng ngừa, Phát hiện, Đánh giá và Quản lý Tăng Huyết áp ở Người lớn

Phần 1: Phương pháp tiếp cận chung, sàng lọc và theo dõi

1. Hướng dẫn năm 2017 là bản cập nhật của "Báo cáo lần thứ 7 của Ủy ban Quốc gia chung về Phòng ngừa, Phát hiện, Đánh giá và Điều trị Tăng Huyết áp" (JNC 7), xuất bản năm 2003. Hướng dẫn năm 2017 là hướng dẫn toàn diện kết hợp thông tin mới từ các nghiên cứu về nguy cơ bệnh tim mạch có liên quan đến tăng huyết áp (THA), đo huyết áp ngoại trú (ABPM – Holter huyết áp), theo dõi huyết áp tại nhà (HBPM), ngưỡng huyết áp để bắt đầu điều trị thuốc, huyết áp mục tiêu trong điều trị, các chiến lược để cải thiện điều trị và kiểm soát tăng huyết áp, và nhiều vấn đề quan trọng khác.

2. Tuân thủ các tiêu chuẩn đo huyết áp chính xác quan trọng. Huyết áp (HA) nên được phân loại theo các mức huyết áp bình thường, bình thường cao, hoặc tăng huyết áp (THA) giai đoạn 1 hoặc 2 để phòng ngừa và điều trị. Bình thường HA được định nghĩa là bình thường khi HA tâm thu/ HA tâm trương <120 / <80 mm Hg; huyết áp bình thường cao khi HA tâm thu/ HA tâm trươngtrong khoảng 120-129 / <80 mmHg; tăng huyết áp giai đoạn 1 là HA tâm thu 130-139 hoặc HA tâm trương 80-89 mmHg, và tăng huyết áp giai đoạn 2 là HA tâm thu ≥ 140 hoặc HA tâm trương ≥90 mmHg ( bảng 1).

Trước khi kết luận người bệnh bị tăng huyết áp, điều quan trọng là sử dụng con số huyết áp trung bình dựa trên ≥2 lần đọc được trên ≥ 2 lần đo để ước lượng mức độ HA của cá thể đó. Huyết áp ngoài phòng khámHA tự theo dõi được khuyến cáo để khảng định chẩn đoán tăng huyết áp và chỉnh liều thuốc giảm huyết áp, kết hợp với các can thiệp lâm sàng và tư vấn về y tế từ xa. Các mức độ HA tương ứng dựa trên địa điểm / phương pháp đo là: huyết áp tại bệnh viện / phòng khám 140/90, HA tại nhà (HBPM) 135/85, Holter HA : HA trung bình ban ngày 135/85, HA trung bình ban đêm 120/70, và HA trung bình 24 giờ 130/80 mm Hg.

 

Bảng 1. Phân loại huyết áp ở người lớn

 

Loại huyết áp

Huyết áp tâm thu

 

Huyết áp tâm trương

Bình thường

< 120 mmHg

< 80 mmHg

Bình thường cao

120 – 129 mmHg

< 89 mmHg

Tăng huyết áp

THA giai đoạn 1

130 – 139 mmHg

Hoặc

80 – 89 mmHg

THA giai đoạn 2

≥ 140 mmHg

Hoặc

≥ 90 mmHg

Đối với người lớn không điều trị, khi có huyết áp tâm thu (SBP)> 130 nhưng <160 mmHg hoặc huyết áp tâm trương (DBP) >80 nhưng <100 mm Hg thì nên sàng lọc tăng huyết áp choàng trắng bằng Holter HA (ABPM) ban ngày hoặc tự theo dõi HA tại nhà (HBPM). Ở người lớn có HA đo tại phòng khám ở mức bình thường cao (120-129 / <80) nhưng không đáp ứng được tiêu chuẩn của bệnh tăng huyết áp, thì nên tầm soát tăng huyết áp bị che khuất (masked hypertension) bằng Holter HA ( ABPM) hoặc theo dõi HA tại nhà (HBPM).

3. Đối với người lớn 45 tuổi không cao huyết áp, nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp trong 40 năm là 93% đối với người Mỹ gốc Phi, 92% đối với người gốc Tây Ban Nha, 86% đối với người da trắng, và 84% đối với người trưởng thành ở Trung Quốc. Trong năm 2010, tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu của tử vong, tàn tật, và là nguyên nhân thường gặp hơn của các biến cố ở phụ nữ và người Mỹ gốc Phi so với người da trắng. Cần chú ý, nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên theo kiểu tuyến tính (log-linear); từ mức độ HA tâm thu (SBP) <115 mmHg đến> 180 mm Hg, và từ mức độ HA tâm trương (DBP) <75 mmHg đến > 105 mm Hg, khi HA tâm thu tăng thêm 20mmHg và HA tâm trương tăng thêm 10mmHg đều làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do đột qu, bệnh tim hoặc các bệnh mạch máu khác.

Ở người ≥ 30 tuổi, HA tâm thu và HA tâm trương cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột qu, bệnh động mạch ngoại vi và phình động mạch chủ bụng. Con số HA tâm thu (SBP) tăng sau khi hiệu chỉnh, hoặc phân tầng luôn liên quan đến nguy cơ tim mạch; Tuy nhiên, điều này không đúng đối với HA tâm trương (DBP).

4. Sàng lọc và quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch khácbệnh nhân tăng huyết áp là quan trọng: hút thuốc lá, tiểu đường, rối loạn lipid máu, tăng cân, ít tập thể dục, chế độ ăn uống không lành mạnh, căng thẳng về tâm lý xã hội và chứng ngưng thở khi ngủ. Các xét nghiệm cơ bản về tăng huyết áp tiên phát bao gồm glucose huyết lúc đói, công thức máu, lipid, Ure, Creatinin, điện giải đồ, hormone tuyến giáp, xét nghiệm nước tiểu, điện tâm đồ, siêu âm tim, acid Uric và tỷ số albumin-creatinin nước tiểu.

5. Cần sàng lọc các nguyên nhân thứ phát của tăng huyết áp đối với tăng huyết áp mới khởi phát hoặc không kiểm soát được bao gồm THA kháng thuốc (khi được điều trị ≥3 thuốc) hoặc khởi phát đột ngột, bệnh nhân <30 tuổi, THA kèm tổn thương cơ quan đích nặng (bệnh mạch máu não, bệnh võng mạc, tăng huyết áp, suy tim với phân suất tống máu bảo tồn [HFpEF] và suy tim với phân suất tống máu giảm [HFrEF], bệnh động mạch vành [CAD], bệnh thận mãn tính [CKD], bệnh mạch ngoại biên, albumin niệu) hoặc khởi phát tăng huyết áp tâm trương ở người cao tuổi hoặc hạ kali huyết quá mức không do thuốc. Các xét nghiệm bao gồm đánh giá bệnh thận mạn, bệnh mạch máu thận, hội chứng cường aldosteron nguyên phát, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, tăng huyết áp do thuốc (thuốc chống viêm không steroid, steroid / androgen, thuốc trị ngạt mũi, caffeine, thuốc ức chế monoamin oxidase) và tăng huyết áp do rượu. Nếu có các biểu hiện lâm sàng cụ thể hơn thì nên sàng lọc các nguyên nhân tăng huyết áp không thường gặp (U tủy thượng thận, hội chứng Cushing, tăng sản thượng thận bẩm sinh, suy giáp, cường giáp, và hẹp eo động mạch chủ). Các bệnh nhân xét nghiệm dương tính với các bệnh lý này nên được chuyển tới bác sĩ chuyên khoa.

6. Can thiệp không dùng thuốc để giảm huyết áp bao gồm: giảm cân đối với những bệnh nhân thừa cân/ béo phì, chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế natri và bổ sung kali; và tăng hoạt động thể chất. Nên giới hạn uống rượu không quá 2 ly tiêu chuẩn với nam và 1 ly tiêu chuẩn với nữ mỗi ngày. Tác động bình thường của mỗi thay đổi lối sống là giảm 4-5 mmHg HA tâm thu và 2-4 mmHg HA tâm trương; Riêng chế độ ăn kiêng có giảm natri, chất béo bão hòa, tổng lượng chất béo và tăng lượng trái cây, rau, ngũ cốc có thể làm giảm HA tâm thu xấp xỉ 11 mmHg.

7. Lợi ích của việc điều trị thuốc hạ HA là để giảm nguy cơ bệnh tim mạch do xơ vữa (ASCVD). Với cùng 1 mức độ giảm HA, số bệnh nhân có nguy cơ cao về ASCVD cần phải điều trị để ngăn ngừa biến cố bệnh tim mạch sẽ thấp hơn (số người cần điều trị - number needed to treat – NTT thấp hơn) như ở người lớn tuổi, những người bị bệnh mạch vành, đái tháo đường, tăng lipid máu, người hút thuốc lá, và bệnh thận mạn. Sử dụng thuốc hạ áp được khuyên dùng để phòng ngừa dự phòng tái phát các biến cố tim mạch ở bệnh nhân bệnh tim mạch do xơ vữa và HA tâm thu trung bình ≥130 mmHg hoặc HA tâm trương ≥ 80 mmHg hoặc để phòng ngừa tiên phát với những cá thể không có tiền sử bệnh tim mạch (CVD) nhưng với nguy cơ bệnh tim mạch do xơ vữa (ASCVD) 10 năm ước tính ≥10% và HA tâm thu trung bình ≥130 mmHg hoặc HA tâm trương ≥ 80 mmHg. Việc sử dụng thuốc hạ huyết áp cũng được khuyến cáo để dự phòng tiên phát bệnh tim mạch ở người lớn không có tiền sử bệnh tim mạch (CVD) và với nguy cơ 10 năm bệnh tim mạch do xơ vữa (ASCVD) ước tính <10% và HA tâm thu ≥ 140 mm Hg hoặc HA tâm trương ≥ 90 mm Hg. Trước 50 tuổi, tỷ lệ tăng huyết áp ở phụ nữ thấp hơn so với nam giới, nhưng sau 50 tuổi tỷ lệ THA ở nữ cao hơn. Mặc dù không có thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng được đưa ra để đánh giá kết cục ở phụ nữ (ví dụ, SPRINT), ngoài những khuyến cáo đặc biệt về quản lý cao huyết áp trong thai kỳ, không có bằng chứng nào cho thấy ngưỡng HA để bắt đầu điều trị, mục tiêu điều trị, sự lựa chọn thuốc hạ huyết áp ban đầu, hoặc kết hợp thuốc giảm HA của bệnh nhân nữ khác với bệnh nhân nam. Đối với người lớn dã được khẳng định chẩn đoán tăng huyết áp và có bệnh tim mạch hay nguy cơ bệnh tim mạch do xơ vữa (ASCVD) sau 10 năm từ 10% trở lên, khuyến cáo đạt đích HA là <130/80 mm Hg. Đối với bệnh nhân đã khẳng định có tăng huyết áp, nhưng không có dấu hiệu tăng nguy cơ tim mạch thì mục tiêu HA <130/80 mmHg được coi là hợp lý.

8. Theo dõi.

Những BN THA có nguy cơ thấp hoặc tăng huyết áp giai đoạn 1 có nguy cơ nguy cơ bệnh tim mạch do xơ vữa (ASCVD) thấp thì nên kiểm tra HA mỗi 3-6 tháng điều trị bằng các biện pháp không dùng thuốc. Bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn 1 và nguy cơ ASCVD cao (nguy cơ ASCVD 10 năm 10%) nên được điều trị bằng cả liệu pháp không dùng thuốc và thuốc hạ huyết áp với kiểm tra lại HA trong 1 tháng. Bệnh nhân bị tăng huyết áp giai đoạn 2 nên được bác sĩ tuyến cơ sở đánh giá lại trong vòng 1 tháng sau khi chẩn đoán ban đầu và được kết hợp giữa liệu pháp không dùng thuốc và 2 thuốc hạ huyết áp ở các nhóm khác nhau và đánh giá lại HA sau 1 tháng. Đối với bệnh nhânHA trung bình rất cao (ví dụ: HA tâm thu 160 mmHg hoặc HA tâm trương 100 mm Hg), nên đánh giá nhanh và điều trị bằng thuốc sau khi theo dõi cẩn thận và điều chỉnh liều trở lên.

PHẦN 2: Nguyên tắc điều trị thuốc và các đối tượng bệnh nhân đặc biệt

9. Nguyên tắc trị liệu bằng thuốc

Chlorthalidone (12.5-25 mg) là thuốc lợi tiểu ưa thích vì thời gian bán hủy dài và chứng minh được làm giảm nguy cơ tim mạch.

Không nên phối hợp các thuốc ức chế men chuyển (ACE), thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARBs) và các chất ức chế renin trực tiếp. Thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn thụ thể angiotensin làm tăng nguy cơ tăng kali máu trong bệnh thận mạn/ hoặc dùng kèm với thuốc bổ sung Kali hoặc Kali. Nên ngưng thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn thụ thể angiotensin trong thai kỳ.

Thuốc chẹn kênh calci (CCB) nhóm dihydropyridin gây ra phù. Chẹn kênh calci nhóm non - dihydropyridin làm chậm nhịp tim và block nhánh và nên tránh trong suy tim phân xuất tống máu giảm (HFrEF).

Lợi tiểu quai được ưu tiên trong suy tim và khi mức lọc cầu thận (GFR) <30 ml/phút. Amiloride và triamterene có thể được sử dụng cùng với thiazides ở người lớn có Kali huyết thanh thấp, nhưng nên tránh dùng khi mức lọc cầu thận (GFR) <45 ml/phút. Spironolactone hoặc eplerenone được ưu tiên sử dụng để điều trị cường aldosteron nguyên phát và tăng huyết áp kháng trị.

Chẹn beta không phải là nhóm thuốc được lựa chọn để điều trị hạ áp đầu tiên ngoại trừ bệnh mạch vànhsuy tim phân xuất tống máu giảm (HFrEF). Tránh ngừng đột ngột các thuốc chẹn beta. Bisoprolol, metoprolol succinat và các thuốc chẹn beta có cả hoạt tính thụ cảm alpha và beta như carvedilol được ưu tiên hơn ở bệnh nhân tăng huyết áp với suy tim phân xuất tống máu giảm (HFrEF) và bisoprolol khi cần điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp kèm bệnh co thắt phế quản.

Thuốc chẹn alpha-1 có liên quan đến hạ huyết áp tư thế đứng; loại thuốc này có thể được xem xét ở nam giới có các triệu chứng phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Các chất chủ vận alpha-1 trung ương nên tránh, và được giữ như là lựa chọn cuối cùng do các tác dụng phụ và tránh ngưng thuốc đột ngột. Thuốc giãn mạch trực tiếp có liên quan đến sự giữ nước và natri và phải được sử dụng cùng với thuốc lợi tiểu và beta.

10. Lựa chọn đầu tiên để điều trị tăng huyết áp giai đoạn 1 bao gồm thuốc lợi tiểu thiazid, chẹn kênh calci (CCB), ức chế men chuyển (ACEi) hoặc ức chế thụ thể Angiotensin (ARBs). Hai loại thuốc đầu tiên của các nhóm khác nhau được khuyến cáo phối hợp để điều trị tăng huyết áp giai đoạn 2 và HA trung bình cao hơn HA đích 20/10 mmHg. Sự tuân thủ được cải thiện có thể đạt được bằng thuốc dùng một lần mỗi ngày thay vì dùng nhiều lần, và với liệu pháp phối hợp cố định liều hơn là phối hợp các viên rời.

Đối với người lớn được xác nhận chẩn đoán tăng huyết áp và bệnh tim mạch ổn định hoặc nguy cơ 10 năm của bệnh tim mạch do xơ vữa (ASCVD) ≥ 10%, nên để HA đích <130/80 mmHg. Chiến lược điều trị tăng huyết áp trước tiên phải thực hiện theo các hướng dẫn điều trị chuẩn của bệnh mạch vành, suy tim phân xuất tống máu giảm, nhồi máu cơ tim và đau thắt ngực ổn định trước, sau đó bổ sung các thuốc khác cần thiết để kiểm soát thêm huyết áp. Trong suy tim phân xuất tống máu bảo tồn (HFpEF) kèm triệu chứng quá tải thể tích, nên sử dụng thuốc lợi niệu để kiểm soát tăng huyết áp, sau đó điều chỉnh các thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin và thuốc chẹn beta để đạt huyết áp tâm thu (SBP) <130 mmHg. Điều trị tăng huyết áp với ức chế thụ thể angiotensin có thể hữu ích để phòng ngừa tái phát rung nhĩ.

11. Bệnh thận mạn: Mục tiêu huyết áp nên <130/80 mmHg. Ở những bệnh nhân có bệnh thận mạn giai đoạn 3 hoặc nặng hơn hoặc bệnh thận mạn giai đoạn 1 hoặc 2 có albumin niệu (> 300 mg / ngày), điều trị bằng chất ức chế men chuyển là hợp lý để làm chậm sự tiến triển của bệnh thận. Nếu không dung nạp được ức chế men chuyển thì điều trị bằng ức chế thụ thể angiotensin là hợp lý.

12. Bệnh nhân bị đột qu và bệnh mạch máu não thường phức tạp. Để đáp ứng được các vấn đề quan trọng liên quan đến quản lý huyết áp ở bệnh nhân đột qu, các hướng dẫn điều trị khuyến cáo cần phải ghi nhận mức độ cấp tính, phân loại đột qu và mục tiêu điều trị, cùng với cân nhắc các nhóm thuốc điều trị hạ huyết áp lý tưởng chưa được nghiên cứu đầy đủ trong các thử nghiệm lâm sàng. Ở người lớn có xuất huyết nội sọ và huyết áp tâm thu > 220 mm Hg, có thể sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch liên tục với theo dõi huyết áp chặt chẽ. Giảm ngay huyết áp tâm thu từ 150-220 mm Hg xuống dưới 140 mmHg không làm giảm tử vong, và có thể gây hại. Trong đột qu do thiếu máu cục bộ, nên hạ huyết áp xuống <185/110 mmHg trước khi điều trị thuốc tiêu huyết khối và duy trì <180/105 mmHg trong ít nhất 24 giờ đầu sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc. Bắt đầu hoặc khởi động lại liệu pháp hạ áp trong thời gian nằm viện khi bệnh nhân bị đột qu do thiếu máu cục bộ đã ổn định với HA đích > 140/90 mmHg là hợp lý. Ở những bệnh nhân không trải qua liệu pháp tái tưới máu với thuốc tiêu huyết khối hoặc điều trị nội mạch, nếu huyết áp ≥220 / 120 mmHg, lợi ích của việc hạ huyết áp không rõ ràng, nhưng điều trị giảm HA xuống 15% trong 24 giờ đầu sau khi bắt đầu đột qu là hợp lý. Tuy nhiên, khởi đầu hoặc khởi động lại điều trị khi huyết áp <220/120 mmHg trong vòng 48-72 giờ đầu sau đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp không hiệu quả.

Phòng ngừa thứ phát sau đột qu hoặc đột qu do thiếu máu thoáng qua (TIA) nên bắt đầu sau vài ngày đầu tiên của biến cố để giảm tái phát. Điều trị với thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin hoặc với thuốc lợi tiểu thiazide rất hữu ích. Những bệnh nhân chưa điều trị tăng huyết áp trước đó và những người có HA huyết áp> 140/90 mmHg nên bắt đầu điều trị thuốc hạ áp vài ngày sau biến cố. Lựa chọn các loại thuốc nên dựa trên bệnh đồng mắc. Huyết áp mục tiêu <130/80 mm Hg có thể hợp lý đối với những người bị đột qu, thiếu máu não thoáng qua (TIA), hoặc đột quỵ ổ khuyết (lacunar stroke). Đối với những người bị đột qu do thiếu máu cục bộ và chưa điều trị tăng huyết áp trước đó, không có bằng chứng về lợi ích điều trị nếu hạ huyết áp <140/90 mmHg.

13. Đái tháo đường (DM) và tăng huyết áp: Điều trị bằng thuốc hạ huyết áp nên được bắt đầu khi HA> 130/80 mmHg với mục tiêu điều trị <130/80 mmHg. Ở người lớn có tiểu đườngtăng huyết áp, tất cả các loại thuốc hạ áp đầu tiên (tức thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, ức chế thu thể angiotensinchẹn kênh calci) đều hữu ích và hiệu quả. Thuốc ức chế men chuyển, ức chế thu thể angiotensin nên được xem xét khi có albumin niệu.

14. Hội chứng chuyển hóa: Thay đổi lối sống kèm tích cực cải thiện tình trạng nhạy cảm insulin bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, giảm cân và tập thể dục là nền tảng của điều trị hội chứng chuyển hóa. Thuốc hạ huyết áp tối ưu cho bệnh nhân có tăng huyết áp kèm hội chứng chuyển hóa chưa được xác định rõ ràng. Chlorthalidone ít nhất cũng có hiệu quả trong việc làm giảm các biến cố tim mạch như các thuốc điều trị tăng huyết áp khác trong nghiên cứu ALLHAT. Cần tránh các thuốc chẹn beta truyền thống trừ khi dùng cho bệnh tim thiếu máu cục bộ.

15. Bệnh van tim: Hẹp van động mạch chủ không triệu chứng có tăng huyết áp nên được điều trị bằng thuốc, bắt đầu với liều thấp, và tăng liều dần dần nếu cần. Ở bệnh nhân hở van động mạch chủ mạn tính, điều trị tăng huyết áp tâm thu là hợp lý với các thuốc không làm chậm nhịp tim (ví dụ: tránh thuốc chẹn beta).

16. Bệnh động mạch chủ: Chẹn beta được khuyến cáo là nhóm thuốc hạ huyết áp được ưa thích ở bệnh nhân tăng huyết áp và bệnh động mạch chủ ngực.

17. Chủng tộc / dân tộc: Ở người trưởng thành người Mỹ gốc Phi có tăng huyết áp nhưng không có suy tim hoặc bệnh thận mạn, kể cả những người có tiểu đường, điều trị hạ huyết áp ban đầu nên bao gồm thuốc lợi tiểu thiazide hoặc chẹn kênh calci. Khuyến cáo phối hợp hai hoặc nhiều loại thuốc điều trị tăng huyết áp để đạt được mục tiêu huyết áp <130/80 mmHg ở hầu hết người lớn, đặc biệt ở bệnh nhân trưởng thành tăng huyết áp người Mỹ gốc Phi.

18. Tuổi tác: Điều trị tăng huyết áp được khuyến cáo cho bệnh nhân ngoại trú 65 tuổi, HA tâm thu trung bình > 130 mmHg với mục tiêu điều trị HA tâm thu <130 mmHg. Đối với bệnh nhân cao tuổi ( 65 tuổi) tăng huyết áp và có bệnh đồng mắc nặng và / hoặc tuổi thọ hạn chế, cần đánh giá lâm sàng, lựa chọn của bệnh nhân và hội chẩn để đánh giá nguy cơ / lợi ích trước khi quyết định về mức huyết áp mục tiêu cũng như lựa chọn các thuốc điều trị tăng huyết áp. Hạ huyết áp là hợp lý để ngăn ngừa suy giảm nhận thức và chứng sa sút trí tuệ.

19. Chuẩn bị trước phẫu thuật: Chẹn beta nên được tiếp tục ở những bệnh nhân tăng huyết áp phẫu thuật lớn, tương tự như các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp khác dùng cho đến khi phẫu thuật. Có thể xem xét ngừng thuốc ức chế ACE và ARB trước phẫu thuật. Đối với bệnh nhân phẫu thuật lớn và mổ theo kế hoạch có thể xem xét hoãn phẫu thuật nếu HA tâm thu ≥180 mmHg hoặc HA tâm trương ≥110 mm Hg. Việc ngừng sử dụng thuốc ức chế beta hoặc clonidine đột ngột có thể gây hại. Tăng huyết áp trong khi mổ nên được điều trị bằng thuốc đường tĩnh mạch cho đến khi có thể tiếp tục các thuốc đường uống.

20. Cơn tăng huyết áp: Cần đánh giá bnh nhân có tổn thương cơ quan đích mới, tiến triển nặng không (tăng huyết áp khẩn cấp).

Đối với bệnh nhân tăng huyết áp khẩn cấp, cần nhập viện vào đơn vị chăm sóc tích cực để theo dõi thường xuyên huyết áp cũng như tổn thương cơ quan đích và sử dụng thuốc hạ huyết áp đường tiêm.

Đối với bệnh nhân có tình trạng bắt buộc (ví dụ tách thành động mạch chủ, tiền sản giật nặng hoặc sản giật, hoặc cơn tăng huyết áp do u tủy thượng thận), trong giờ đầu nên giảm huyết áp tâm thu xuống dưới 140 mmHg trong tách thành động mạch chủ xuống dưới 120 mmHg.

Đối với bệnh nhân không có tình trạng bắt buộc, nên giảm huyết áp tối đa 25% trong vòng một giờ đầu tiên; sau đó, nếu ổn định, hạ huyết áp đến 160/100 mmHg trong vòng 2 đến 6 giờ tiếp theo; và sau đó hạ từ từ đến huyết áp bình thường sau 24 đến 48 giờ.

21. Cần có kế hoạch chăm sóc rõ ràng, chi tiết, cập nhật cho mỗi bệnh nhân ngưới lớn bị tăng huyết áp để đảm bảo đạt được các mục tiêu điều trị và tự quản; quản lý hiệu quả các bệnh đồng mắc; theo dõi định kỳ với nhân viên y tế; và tuân thủ các hướng dẫn điều trị bệnh tim mạch dựa trên bằng chứng. Khuyến khích sử dụng các chiến lược hành vi và động lực hiệu quả để thúc đẩy việc thay đổi lối sống. Sử dụng cách tiếp cận theo nhóm mô hình hợp tác bao gồm bác sĩ, y tá và dược sĩ, cùng với việc tích hợp các biện pháp giám sát theo dõi sức khỏe tại nhà và can thiệp từ xa (telehealth). Tiên lượng có thể được cải thiện với các chiến lược cải tiến chất lượng tại hệ thống y tế, nhà cung cấp dịch vụ và bệnh nhân.

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Whelton PK, Carey RM, Aronow WS et al. ( 2017)

ACC/AHA/AAPA/ABC/ACPM/AGS/APhA/ASH/ASPC/NMA/PCNA guideline for the prevention, detection, evaluation, and management of high blood pressure in adults: a report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Clinical Practice Guidelines. J Am Coll Cardiol. 2017 Nov 7. pii: S0735-1097(17)41519-1. doi: 10.1016/j.jacc.2017.11.006. [Epub ahead of print]

2. Chobanian AV, Bakris GL, Black HR, et al. (2003) The Seventh Report of the Joint National Committee on Prevention, Detection, Evaluation, and Treatment of High Blood Pressure: the JNC 7 report. JAMA; 289:2560-1572.

3. Jeffrey S. New ACC/​AHA Hypertension Guidelines Make 130 the New 140. Medscape News. WebMD Inc. November 13, 2017.

https://www.medscape.com/viewarticle/888560


Danh mục: Nghiên cứu khoa học , Bài viết chuyên đề

Bình luận
Bài viết liên quan