Sửa van hai lá qua da hoặc điều trị nội khoa cho hở van hai lá thứ phát

Người dịch: ThS. Nguyễn Văn Thực, Phó trưởng khoa HSTC,  

Hiệu đính: PGS.TS. Lê Thu Hòa, Phụ trách Trung tâm ĐT- CĐT

Tổng quan. Ở những bệnh nhân suy tim mạn tính có phân suất tống máu thất trái giảm, hở van hai lá thứ phát nặng gắn liền với tiên lượng xấu. Sửa van hai lá qua da liệu có làm cải thiện kết cục lâm sàng cho nhóm bệnh nhân hay không còn chưa được biết tới.

Phương pháp.Chúng tôi phân ngẫu nhiên các bệnh nhân có hở van hai lá thứ phát nặng (được định nghĩa là diện tích dòng hở > 20 mm2 hoặc thể tích dòng hở > 30ml/mỗi nhát bóp) có phân suất tống máu  thất trái từ 15 đến 40%, và suy tim có triệu chứng vào 2 nhóm với tỉ lệ 1:1, nhóm sửa van hai lá qua da kèm theo điều trị nội khoa (nhóm can thiệp: 152 bệnh nhân) hoặc điều trị nội khoa đơn thuần (nhóm chứng, 152 bệnh nhân). Kết cục hiệu quả tiên phát là phức hợp của tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào hoặc nhập viện do suy tim không báo trước sau 12 tháng.

Kết quả.Tại thời điểm 12 tháng, tỉ lệ kết cục tiên phát là 54.6% (83/152 bệnh nhân) ở nhóm can thiệp và 51.3% (78/152 bệnh nhân) ở nhóm chứng (OR, 1.16; 95% CI 0.73 - 1.84; P = 0.53).Tỉ lệ tử vong do mọi nguyên nhân là 24.3% (37 trong số 152 bệnh nhân) ở nhóm can thiệp và 22.4% (34 trong số 152 bệnh nhân) ở nhóm chứng (HR, 1.11; 95% CI, 0.69 - 1.77). Tỉ lệ nhập viện không báo trước do suy tim là 48.7% (74 trong số 152 bệnh nhân) ở nhóm can thiệp và 47.4% (72 trong 152 bệnh nhân) ở nhóm chứng (HR, 1.13; 95% CI, 0.81 - 1.56).

Kết luận.Trong số những bệnh nhân hở van hai lá thứ phát nặng, tỉ lệ tử vong hoặc nhập viện không báo trước do suy tim sau 1 năm không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa nhóm bệnh nhân được sửa van hai lá qua da kết hợp điều trị nội khoa và nhóm điều trị nội khoa đơn thuần.

Link bài: https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa1805374

Người dịch: BS Nguyễn Văn Thực


Danh mục: TT NCKH - ĐT - CĐT , Bài viết chuyên đề

Bình luận
Bài viết liên quan