Tràn dịch màng tim sau phẫu thuật tim: kinh nghiệm từ Bệnh Viện Tim Hà Nội

Tải file tại ĐÂY

Tổng quan: Tràn dịch màng tim vẫn là một biến chứng thường gặp sau phẫu thuật tim hở. Tràn dịch màng tim kéo dài đáng kể thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trị, cũng như ảnh hưởng đến kết cục chung sau mổ tim tại bệnh viện Tim Hà Nội, một trung tâm tuyến cuối về tim mạch của cả nước với lượng bệnh nhân phẫu thuật trung bình 1000 mỗi năm. Mục đích của nghiên cứu nhằm mô tả biểu hiện lâm sàng, tần suất mắc phải và các yếu tố nguy cơ của tràn dịch màng tim sau mổ, qua đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa tốt hơn và cải thiện kết cục sau mổ.

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang trên 1127 bệnh nhân trải qua phẫu thuật tim hở từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2015.

Kết quả: 36 trường hợp (3,19%) xuất hiện tràn dịch màng tim sau mổ. Trong số đó, 16 trường hợp (44,4%) có ép tim. Tràn dịch màng tim xuất hiện sau mổ van chiếm tới 77,8% các trường hợp. Tràn dịch màng tim được phát hiện sau xuất viện chiếm 47,2% các trường hợp, tại thời gian trung bình 18,1 ± 13,7 ngày. Kết quả phân tích hồi quy đơn biến cho thấy tuổi > 25, BSA > 1,28 m2, rối loạn chức năng gan trước mổ, NYHA III/IV, kích thước thất trái z-score > 0,55; và dùng chống đông trước mổ có liên quan đến tràn dịch màng tim sau mổ. Phân tích hồi quy đa biến cho kết quả z-score thất trái > 0,55 là yếu tố nguy cơ độc lập của tràn dịch màng tim sau mổ.

Kết luận: Siêu âm tim thường quy sau mổ là cần thiết để phát hiện tràn dịch màng tim sau mổ. Tăng kích thước cuối tâm trương thất trái là một yếu tố dự đoán độc lập của tràn dịch màng tim sau mổ.


Danh mục: TT NCKH - ĐT - CĐT , Nghiên cứu khoa học , Bài viết chuyên đề

Bình luận
Bài viết liên quan