Lắng nghe trái tim của người dân nghèo

 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Cao Khanh khám bệnh cho học sinh Trường Tiểu học An Phú, Mỹ Đức.

Vì nếu không có những hoạt động xã hội này của những người thầy thuốc luôn đau đáu một tâm nguyện làm sao giúp người dân, nhất là người nghèo có sức khỏe tốt thì có lẽ 30 học sinh của Trường Tiểu học An Phú nghi ngờ có bệnh sẽ không biết đến bao giờ được phát hiện bệnh. Và còn vì, qua những chuyến đi này các thầy thuốc cũng "được" rất nhiều, như PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV chia sẻ: Chúng tôi biết thương bà con mình hơn, để không còn coi họ là "con bệnh".

Giúp người nghèo biết bệnh

Xã An Phú có đến 38% hộ nghèo theo chuẩn mới, 60% là người dân tộc Mường. Theo ông Nguyễn Ngọc Chiến, Phó phòng LĐ,TB&XH huyện Mỹ Đức, từ ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, người dân những xã nghèo như An Phú được chăm sóc y tế tốt hơn. Được khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh không chỉ mang lại cho các cháu sức khỏe mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo. Có nhẽ bởi thế, sân Trường Tiểu học An Phú ngày có các bác sĩ về khám không khí thật đặc biệt, nhất là với 775 học sinh.

Cái nghèo hiển hiện trên những bộ quần áo các em đang mặc, trong những tấm thân gầy guộc và có phần thấp bé hơn so với trẻ con thành phố. Nhưng trên những gương mặt của những học sinh đang xếp hàng trật tự chờ đến lượt được các bác sĩ khám bệnh là sự mong ngóng và háo hức vì với đa số các em, đây là lần đầu tiên được các bác sĩ ở thành phố về khám tim. Và còn bởi, sau khi khám các em còn được nhận sữa, thuốc bổ và sách truyện - những món quà đến từ Quỹ Bảo trợ trẻ em TP Hà Nội và Quỹ "Vì một trái tim khỏe" của BV Tim Hà Nội.

Ân cần và cẩn trọng, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Cao Khanh đặt ống nghe bên ngực trái của những đứa trẻ, lắng nghe nhịp tim đập trong lồng ngực nhỏ bé để tìm ra những khuyết tật nếu có. Và mỗi khi một học sinh có trái tim khỏe, tôi thấy dường như ông lại mỉm cười. Bàn bên cạnh, một bác sĩ trẻ, tay cầm ống nghe, ngước mắt nhìn lên trần, anh đang cố tập trung lắng nghe nhịp đập trái tim cô học sinh lớp 2 L.T.H.L. Kéo vạt áo mỏng che tấm thân gầy cho cô bé, anh lúi húi ghi vào sổ y bạ: "Nhịp tim nhanh, có tiếng thổi. Đề nghị đến BV kiểm tra lại". Kết thúc buổi khám, có 30 cuốn sổ y bạ được sử dụng, có nghĩa là 30 học trò sẽ phải đến bệnh viện, nơi có đầy đủ trang thiết bị để được khám bệnh kỹ càng hơn.

Tranh thủ thời gian nghỉ, bác sĩ Nguyễn Cao Khanh, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội BV Tim cho biết, 4 năm nay, thường xuyên tham gia các đoàn khám sàng lọc và từ thiện anh thấy yêu nghề thầy thuốc hơn. Khám sàng lọc giúp người bệnh phát hiện bệnh sớm là một hoạt động quan trọng trong công tác xã hội của BV Tim Hà Nội. Theo thống kê, số người được khám sàng lọc tăng hằng năm, năm 2006 là hơn 5.000 người thì năm 2014 đã là gần 16 nghìn. Năm 2015, nhờ phát triển tốt hệ thống BV vệ tinh, BV Tim Hà Nội chỉ khám lại những trẻ nghi ngờ có bệnh sau khi các BV tỉnh, huyện đã sàng lọc và con số này là 4.527, trong đó 518 trường hợp có chỉ định mổ và can thiệp.

BV Tim Hà Nội còn tìm nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để mổ tim miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Trên 1.800 bệnh nhân đã được cứu sống nhờ bàn tay tài hoa và trái tim nhân hậu của đội ngũ y, bác sĩ của BV. Nhờ nỗ lực giải quyết vấn đề tài chính, BV đã và đang hướng tới một quy trình trọn vẹn cho những người nghèo không may bị bệnh lý tim mạch. Đó là khám sàng lọc - chẩn đoán - điều trị - theo dõi. "Nếu không giải quyết được trọn vẹn quy trình này thì sẽ là có lỗi với người bệnh", PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV nêu quan điểm. Và để làm tốt điều này, BV không chỉ tổ chức khám sàng lọc, tìm nguồn tài chính để điều trị mà còn triển khai có hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, giúp BV các tỉnh và tuyến huyện có khả năng tham gia sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và theo dõi sau điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là người bệnh nghèo. Bởi vậy, hầu như trong các chuyến khám bệnh miễn phí, các anh thường làm việc với tuyến y tế cơ sở như BV đa khoa của huyện, để tìm hiểu, tư vấn và giúp các đơn vị này phát triển chuyên khoa tim mạch. Và chuyến về Mỹ Đức cũng không ngoại lệ.

Mang chuyên khoa sâu đến với cơ sở

Theo thống kê, tỷ lệ người dân bị mắc các bệnh lý tim mạch ngày càng tăng, hiện đã lên đến 25%. Trong khi đó đây lại là một chuyên khoa sâu và khó, đòi hỏi sự đầu tư về cả nhân lực lẫn trang thiết bị nên tuyến y tế cơ sở khó có thể tiếp cận nếu không có cách làm phù hợp. Là một BV tim mạch hoàn chỉnh, với vai trò là BV chuyên khoa hạng I và BV chuyên khoa đầu ngành của Hà Nội, Tim Hà Nội được Sở Y tế Hà Nội giao làm BV hạt nhân giúp đỡ phát triển chuyên ngành tim mạch cho 3 BV vệ tinh là BV Đa khoa Thanh Trì, Quốc Oai, Đan Phượng.

Bên cạnh đó, BV đã hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho 32 tỉnh, thành với gần 50 BV, gồm cả tuyến trung ương, tỉnh và ngành. Cùng với việc đi tuyến hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, BV cũng mở các khóa đào tạo tại BV cho các bác sĩ, điều dưỡng như tim mạch học cơ bản, điện tâm đồ trong thực hành lâm sàng, cấp cứu tim mạch, siêu âm tim... Bên cạnh đó, BV đang tham gia một số đề án của Bộ Y tế liên quan đến công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ cho các BV tuyến dưới. Hiện tại, đang có thêm hai BV tuyến tỉnh và Hà Nội đề xuất với Bộ Y tế là BV vệ tinh về chuyên ngành tim mạch của BV Tim Hà Nội. Riêng trong năm 2015, BV Tim Hà Nội đã đi tuyến khảo sát, giúp đỡ phát triển về chuyên ngành tim mạch tại 45 cơ sở y tế thuộc Sở Y tế Hà Nội trong đó có 20 BV đa khoa và 25 trung tâm y tế; 39 đơn vị y tế của 32 tỉnh, thành cùng một số đơn vị tuyến trung ương, BV ngành trên cả nước.

Cũng giống như các lần đi tuyến và khảo sát các đơn vị tuyến dưới, lần này về BV Đa khoa Mỹ Đức, Đoàn cán bộ BV Tim cũng đã làm việc với lãnh đạo BV, tìm hiểu khó khăn và "điểm nghẽn" để có thể giúp đơn vị này phát triển chuyên khoa tim mạch. PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn trăn trở: Nơi nào hạn chế về năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, BV Tim Hà Nội sẽ mở các khóa đào tạo, các khóa tập huấn cán bộ. Có cán bộ đủ sức đảm đương nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi mới có thể giúp đỡ về trang thiết bị. Tuy lần thứ hai về Mỹ Đức BV đã có thay đổi nhiều, bác sĩ đã "dày" hơn nhưng vẫn còn rất "mỏng". BV sẽ được thành phố và huyện đầu tư máy siêu âm tim. Siêu âm tim không dễ như siêu âm ổ bụng, nhưng cũng không khó dù bệnh lý tim mạch có đến 2.500 bệnh khác nhau. Nhưng chỉ có 2 bác sĩ chuyên khoa hồi sức, 2 bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thì không thể rút người đi để đào tạo. Chúng tôi không có "bột" để "gột" nên hồ.

Rời BV Mỹ Đức, người đứng đầu ngành tim của Hà Nội day dứt về tình trạng thiếu bác sĩ ở BV tuyến huyện, mà Mỹ Đức là một điển hình. Theo anh, muốn phát triển BV vệ tinh, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở để người dân được tiếp cận với nền y tế hiện đại, tiên tiến, được chăm sóc tốt hơn, giảm tải cho BV tuyến trên thì điều kiện đầu tiên là phải có cán bộ được đào tạo chính quy. Môi trường làm việc để có thể cống hiến, có khả năng rèn luyện và tiến bộ về chuyên môn là lý do hàng đầu trong việc lựa chọn nơi làm việc của sinh viên ngành y sau khi ra trường. Tuy tiền lương không phải là ưu tiên hàng đầu nhưng họ cũng phải đủ sống.

Với những đơn vị y tế cơ sở, nếu không có chính sách thu hút đủ mạnh thì tình trạng thiếu bác sĩ khó giải quyết. Mà đã không có bác sĩ thì vòng tròn chất lượng yếu - bệnh nhân ít - bác sĩ không về làm việc sẽ mãi xoáy trôn ốc theo chiều đi xuống. "Nói vậy không có nghĩa là không làm, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng hết sức trong điều kiện có thể để giúp bà con theo cách của mình", PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn khẳng định trước khi chia tay. Và tôi tin quyết tâm ấy, lời hứa ấy của anh cùng tập thể y, bác sĩ BV Tim Hà Nội bởi đã biết về những việc BV triển khai hiệu quả trong những năm qua trong hoạt động chỉ đạo tuyến và công tác xã hội. Và còn bởi đã từng chứng kiến cảnh người bác sĩ không ngại bất kỳ khó khăn nào trong chuyên môn và công tác quản lý đã "trốn" khỏi đám đông để che giấu cảm xúc khi nhìn thấy những em bé vùng cao chân trần, áo mỏng đến khám bệnh cũng trong một chuyến khám thiện nguyện giữa mùa đông giá lạnh.

Theo HàNộiMới


Danh mục: Truyền thông nói về chúng tôi , Công tác xã hội

Bình luận