Bệnh thông liên thất và những điều cần biết dành cho cha mẹ

1.    Lời mở đầu     
Tim bẩm sinh là nhóm bệnh lý dị tật bẩm sinh phổ biến nhất ở trẻ em. Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, thậm chí có nguy cơ gây tử vong. Trong nhóm tim bẩm sinh, bệnh thông liên thất là bệnh có tỉ lệ gặp cao nhất. Bình thường quả tim có 4 buồng gồm 2 tâm nhĩ nằm ở trên và 2 tâm thất nằm ở dưới. Khi tồn lại 1 “lỗ thủng” nằm trên vách tim ngăn cách giữa tâm thất phải và tâm thất trái- đó là bệnh thông liên thất (hình 1)

  
Hình 1: (A)Cấu trúc tim bình thường (Septum: vách ngăn giữa tâm thất 2 bên kín); (B): lỗ thông liên thất (VSD) nằm trên vách ngăn nối giữa tâm thất phải và tâm thất trái
2.    Phân loại bệnh thông liên thất?
Về kích thước lỗ thông liên thất có thể chia ra:
    Lỗ thông kích thước nhỏ: thường không cần can thiệp sớm, theo dõi định kỳ kiểm tra tiến triển khi trẻ lớn dần theo tuổi
    Lỗ thông kích thước trung bình: đa số cần can thiệp hoặc phẫu thuật nhưng chỉ cần tiến hành khi trẻ lớn
    Lỗ thông kích thước lớn: cần can thiệp hoặc phẫu thuật sớm khi trẻ còn nhỏ, do lỗ thông gây suy tim và ảnh hưởng đến phát triển
Về vị trí lỗ thông liên thất có thể chia ra:
    Lỗ thông phần màng/ lỗ thông phần cơ: 75% các trường hợp lỗ ở 1 trong 2 vị trí này có thể tự khỏi, đa phần lỗ nhỏ dần theo thời gian theo dõi
    Lỗ thông phần buồng nhận/ lỗ thông phần phễu: các trường hợp này gần như không thể tự đóng, cần can thiệp điều trị
3.     Bệnh thông liên thất gây ảnh hưởng đến tim và sự phát triển của trẻ như thế nào?
Bình thường hoạt động của tim được đảm bảo dẫn máu theo 1 chiều duy nhất giữa các buồng tim, van tim và mạch máu. Sự tồn tại 1 “lỗ thủng” trong tim trên vách ngăn dẫn đến xuất hiện dòng máu chuyển sang 1 hướng khác bất thường, cụ thể với bệnh thông liên thất máu được dẫn từ tim trái sang tim phải qua lỗ thông, dẫn đến hệ quả lượng máu được đưa lên động mạch phổi tăng bất thường và gây quá tải cho hoạt động của tim. Mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào kích thước lỗ thông, lượng máu “bất thường” qua lỗ thông và mức độ suy tim/ tăng áp phổi. Sự ảnh hưởng 2 hệ cơ quan chính bị ảnh hưởng và dẫn đến các biểu hiện của trẻ bao gồm:
    Do tim hoạt động quá tải nên trẻ dễ bị suy tim, gây các biểu hiện thở nhanh, bú ngắn hơi, hay ra mồ hôi trộm, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng, mức độ nặng có thể có phù, bụng chướng, gan to, tiểu ít...
           
Hình 2: Dấu hiệu thở mạnh, rút lõm lồng ngực, tần số thở nhanh
    Do lượng máu đưa lên phổi nhiều dẫn đến tăng áp động mạch phổi, trẻ rất dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, nhiều đợt cấp tính như ho đờm, sốt, khó thở, thậm chí suy hô hấp (tím tái) cần nhập viện điều trị
           
Hình 3: Trẻ mắc bệnh thông liên thất rất hay bị viêm phổi!
    Bệnh càng nặng và càng để muộn sẽ càng khó điều trị. Nhiều trường hợp trẻ có lỗ thông lớn nhưng không được điều trị kịp thời , xuất hiện tình trạng tím tái tăng dần, đôi khi không thể tiến hành phẫu thuật điều trị do tiến triển bệnh đến giai đoạn không hồi phục.
4.    Nguyễn nhân nào gây ra bệnh thông liên thất ở trẻ em?
Đa phần các trường hợp thông liên thất không xác định rõ căn nguyên và không có tính chất di truyền. 1 tỷ lệ nhỏ các trường hợp thông liên thất ở trẻ em phát hiện trên nền bệnh rối loạn gen/ nhiễm sắc thể (Hội chứng Down, hội chứng Edward...), một số trường hợp tìm thấy các yếu tố nguy cơ như mẹ tuổi cao khi mang thai, mẹ bị nhiễm cúm, nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu.
5.    Làm thế nào để phát hiện trẻ có mắc bệnh thông liên thất?
 
Hình 4: Siêu âm tim thai là biện pháp quan trọng nhất 
giúp chẩn đoán sớm bệnh thông liên thất từ giai đoạn bào thai!
Thông liên thất là bệnh tim bẩm sinh- nói cách khác bệnh xuất hiện ngay từ giai đoạn bào thai và trẻ vừa ra đời đã mắc bệnh, do đó ở bất cứ giai đoạn phát triển nào của trẻ cũng có thể phát hiện ra bệnh nếu được khám tim mạch tại các bệnh viện chuyên khoa cẩn thận. 
    Giai đoạn bào thai: phát hiện bệnh thông liên thất khi đi siêu âm tim bào thai- đặc biệt tại các cơ sở chuyên khoa tim mạch- giúp chẩn đoán sớm và có hướng theo dõi điều trị cho trẻ từ ngay sau sinh.
    Giai đoạn trẻ sau ra đời: phụ thuộc vào các dấu hiệu nghi ngờ bệnh xuất hiện ở trẻ: bao gồm các dấu hiệu của suy tim (thở nhanh, bú ngắn hơi, chậm lớn...) hoặc trẻ hay mắc các bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi. Một số trường hợp lỗ thông nhỏ, không ảnh hưởng đến phát triển của trẻ, đôi khi bệnh tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe/ đi tiêm phòng các bác sỹ nghi ngờ có tiếng “thổi” bất thường ở tim.
6.    Các hướng điều trị cho trẻ bị bệnh thông liên thất?
Có 3 biện pháp chính: (1) theo dõi và điều trị nội khoa; (2) can thiệp đóng lỗ thông bằng dụng cụ qua da; (3) phẫu thuật tim mạch
6.1.    Theo dõi và điều trị nội khoa
Là biện pháp cơ bản nhất, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh thông liên thất được theo dõi định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa về tim mạch, các bác sỹ sẽ khám, đánh giá và kê đơn thuốc uống hàng ngày nếu cần, lên lịch theo dõi định kỳ. Một số trường hợp bệnh có thể tự khỏi (lỗ thông tự đóng dần theo thời gian), một số khác trẻ được theo dõi chờ đến thời điểm thích hợp để tiến hành can thiệp hoặc phẫu thuật.
6.2.    Can thiệp đóng lỗ thông bằng dụng cụ qua da
Là biện pháp can thiệp đóng lỗ thông bằng cách đưa 1 dụng cụ theo đường mạch máu vào trong tim nhằm bít kín vị trí lỗ thông, giúp điều trị triệt để bệnh. Đây là phương pháp hiện đại, không cần phẫu thuật mở ngực, có thể tiến hành với trẻ nhỏ cân nặng thấp, tỉ lệ thành công và an toàn rất cao, trẻ nhanh hồi phục và nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Nhược điểm lớn nhất là chỉ có 1 số vị trí lỗ thông đặc biệt có thể tiến hành can thiệp được (lỗ thông phần màng, phần cơ)
   
Hình 5: (A) Phòng can thiệp tim mạch- nơi tiến hành các quy trình đóng lỗ thông liên thất bằng dụng cụ; (B): quá trình can thiệp bít lỗ thông trên màn huỳnh quang tăng sáng 1 trường hợp trẻ nhỏ bị thông liên thất
6.3.    Phẫu thuật vá thông liên thất
Là biện pháp cơ bản và kinh điển nhất trong điều trị bệnh thông liên thất. Mọi lứa tuổi, mọi vị trí lỗ thông đều có thể tiến hành phẫu thuật nếu có chỉ định. Đặc biệt, với đa phần các trường hợp thông liên thất đơn thuần, trẻ có thể tiến hành phẫu thuật ít xâm lấn- một phương pháp phẫu thuật hiện đại, không cần cưa xương ức, đường mổ có tính thẩm mỹ cao- để tiến hành điều trị.
  
Hình 6: (A) Phòng mổ tim mạch: nơi diễn ra các cuộc phẫu thuật sửa chữa bệnh tim bẩm sinh; (B): 1 trường hợp trẻ nhỏ thấp cân được tiến hành phẫu thuật sửa chữa bệnh thông liên thất bằng phương pháp mổ ít xâm lấn
7.    Chăm sóc trẻ bị thông liên thất có điều gì cần chú ý?
Nhìn chung trẻ bị mắc bệnh thông liên thất đơn thuần có thể được chăm sóc và theo dõi như trẻ bình thường về chế độ ăn uống, không cần kiêng kem, tiêm phòng theo lịch tiêm chủng, tuy nhiên có 1 số điểm cần chú ý:
    Cho trẻ đi khám và theo dõi định kỳ theo hẹn của các bác sỹ tim mạch là rất quan trọng- kể cả trước và sau phẫu thuật hoặc can thiệp.
    Theo dõi sự phát triển và tăng trưởng, các mốc vận động, chiều cao, cân nặng của trẻ theo tuổi
    Dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng theo hướng dẫn của các nhân viên y tế
    Nhìn chung trẻ nếu bệnh tự khỏi hoặc đã được điều trị triệt để (bằng can thiệp hoặc phẫu thuật), khi đó tim trẻ trở về với hoạt động hoàn toàn bình thường như trẻ cùng tuổi, trẻ có thể nhanh chóng phục hồi về sức khỏe và tham gia các hoạt động xã hội phù hợp
                    
 


Danh mục: Tin tức , Khách hàng nói về chúng tôi , Thông báo

Bình luận