Dị dạng mạch máu khiến cánh tay thiếu niên rỗ như tổ ong

Bác sĩ cho biết động mạch và tĩnh mạch ở tay bệnh nhân có sự nối thông bất thường, hình thành những u máu từ bả vai xuống bàn tay, gây biến dạng và giảm chức năng của cánh tay trái, chèn ép thần kinh.

Ngày 13/5, mẹ bệnh nhân cho biết, khi con chào đời cánh tay có màu xanh, người nhà nghĩ bị chàm. Một tháng tuổi, tay của em to lên, đau, đi khám nhiều nơi có bác sĩ chẩn đoán bị u máu, có bác sĩ cho rằng bị giãn tĩnh mạch tay nhưng không điều trị được. Gần đây, tay của em yếu hơn, đau tức nhiều, đến Bệnh viện Tim Hà Nội điều trị.

PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết đây là một ca bệnh phức tạp, ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy cánh tay trái của bệnh nhân "rỗ như tổ ong". Với người bình thường, hình ảnh chụp chiếu các bộ phận cơ thể cho cảm quan phẳng, mịn, trừ khi có bệnh lý.

"Bệnh nhân này nếu không can thiệp có thể dẫn đến suy tim, chảy máu trong cơ, hình thành huyết khối gây biến chứng nhiễm trùng chảy máu tắc mạch, nặng hơn nữa thì sẽ phải cắt cụt chi", PGS. Hiền nói.

Các bác sĩ hội chẩn với đồng nghiệp từ Singapore, trong chương trình trao đổi kinh nghiệm chuyên môn về bệnh lý mạch máu ngoại biên, can thiệp cho người bệnh. Thông qua hình ảnh chụp chiếu, bác sĩ xác định các vị trí tổn thương, sau đó dùng keo và hóa chất bít các tổn thương này, đồng thời tiêm xơ các búi mạch. Mục đích là để bảo tồn và phục hồi chức năng của chi, tránh biến chứng.

Sau can thiệp bệnh nhân ổn định sức khỏe, tay bớt đau. Do nhiều vùng bị tổn thương, một lần can thiệp không thể bít tất cả vị trí, dự kiến bệnh nhân phải can thiệp thêm vài lần nữa mới chữa lành hoàn toàn.

Hình ảnh chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt cho thấy cánh trái của bệnh nhân rỗ như tổ ong. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo PGS. Hiền, khoảng 20 năm qua, bệnh lý mạch máu tăng nhanh do thói quen ăn uống, ít vận động thể lực, hút thuốc lá và bị căng thẳng thần kinh, dẫn đến xơ vữa động mạch. Ba phương pháp điều trị gồm dùng thuốc; loại bỏ yếu tố nguy cơ và can thiệp mạch; phối hợp can thiệp mạch và phẫu thuật. Sau xử trí, bệnh nhân phải điều trị nội khoa, thay đổi lối sống.

Kỹ thuật điều trị bệnh lý mạch máu hiện ngày càng phát triển, nhờ các bác sĩ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp nước ngoài, như bác sĩ ở Singpapore trong trường hợp bệnh nhân này, theo PGS. Hiền.

Theo Vnexpress

 


Danh mục: Tin tức , Truyền thông nói về chúng tôi

Bình luận