Dự phòng suy thận cấp do thuốc cản quang

1. Định nghĩa và chẩn đoán

Suy thận cấp do thuốc cản quang (CA-AKI) là việc xuất hiện suy thận cấp hoặc nặng thêm mức độ suy thận sau khi dùng thuốc cản quang. Suy thận cấp do thuốc cản quang có thể xảy ra sau tiêm động mạch hoặc tĩnh mạch thuốc cản quang chứa iod trong các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc can thiệp mạch. Tỷ lệ suy thận cấp do thuốc cản quang chiếm khoảng 11 – 12% trường hợp suy thận cấp (acute kidney injury – AKI) tại bệnh viện và liên quan đến 6% tỷ lệ tử vong tại bệnh viện.

Suy thận cấp do thuốc cản quang được chẩn đoán khi tăng thêm 25% hoặc >0,5mg/dl (44,2 mmol/l) giá trị nồng độ creatinin huyết thanh so với creatinin ban đầu. Nguy cơ này thường xuất hiện trong vòng 24-48 giờ sau khi dùng thuốc cản quang, creatinin tăng cao nhất sau 5-7 ngày và hầu hết các trường hợp trở về bình thường sau 7-10 ngày.

2. Yếu tố nguy cơ

Nhìn chung, đối với bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ nguy cơ mắc CA-AKI dưới 1%. Trong khi đó, đối với bệnh nhân có nguy cơ (ví dụ mắc kèm đái tháo đường, bệnh thận mạn), nguy cơ này lên đến 10 đến 30%.

Bệnh thận mạn (CKD)

Tỷ lệ suy thận cấp cao hơn ở bệnh nhân CKD và tăng theo mức độ suy thận của bệnh nhân. Trong số bệnh nhân CKD, bệnh nhân mắc kèm đái tháo đường có nguy cơ mắc CA-AKI cao gấp 3 lần.

Liều lượng thuốc cản quang

Nên sử dụng thuốc cản quang với liều thấp nhất có thể. Trên bệnh nhân đái tháo đường mắc kèm bệnh thận mạn (nồng độ creatinin huyết thanh > 440 micromol/L), CA-AKI có thể xuất hiện ngay khi chỉ sử dụng từ 20 đến 30 mL thuốc cản quang.

Loại thuốc cản quang

Nên sử dụng các thuốc cản quang đẳng thẩm thấu (iodixanol) và các thuốc cản quang có độ thẩm thấu thấp (iopromid, iopamidol, iohexol, iobitridol) thay vì các thuốc cản quang có độ thẩm thấu cao (ioxithalamat). Iodixanol có nguy cơ gây AKI thấp hơn so với các thuốc có nồng độ thẩm thấu thấp, đặc biệt là ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

Không nên sử dụng thuốc cản quang lặp lại trong vòng 72 giờ. Nguy cơ gặp CA-AKI tăng đáng kể khi bệnh nhân dùng liều thuốc cản quang thứ hai trong vòng 48 giờ.

Thuốc dùng kèm

Một số thuốc dùng kèm như: ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể angiotensin, thuốc độc thận gồm thuốc chống viêm phi steroid (NSAIDs) nên dừng ít nhất từ 1-2 ngày trước khi dùng thuốc cản quang. Bệnh nhân đái tháo đường có bệnh thận trước đó nên dừng metformin trong 48 giờ do nguy cơ xảy ra hội chứng acid lactic và làm tăng nguy cơ suy thận cấp do thuốc cản quang.

4. Các biện pháp dự phòng suy thận cấp do thuốc cản quang

4.1. Đánh giá nguy cơ xuất hiện CA-AKI bệnh nhân

Bệnh nhân được coi có nguy cơ cao  nếu thỏa mãn 1 trong các tiêu chí sau đây:

  • Bệnh nhân có eGFR < 60 mL/phút/1,73 m2 VÀ protein niệu đáng kể (albumin niệu > 300 mg/ngày, tương ứng với protein niệu > 500 mg/ngày).
  • Bệnh nhân có eGFR < 60 mL/phút/1,73 m2 và mắc kèm đái tháo đường, suy tim, suy gan, hoặc đa u tủy.
  • Bệnh nhân có eGFR < 45 mL/phút/1,73 m2 ngay cả khi không có protein niệu hoặc bất kỳ bệnh mắc kèm nào khác.

4.2. Biện pháp dự phòng

Đối với bệnh nhân có nguy cơ cao, các biện pháp sau nên được áp dụng để dự phòng xuất hiện CA-AKI:

  • Tránh giảm thể tích và NSAID

Bệnh nhân được dùng thuốc cản quang động mạch nên tránh giảm thể tích và ngừng sử dụng NSAID trong 24 đến 48 giờ trước khi làm thủ thuật. Việc giảm thể tích và sử dụng NSAID đều có thể làm tăng co mạch thận, làm tăng nguy cơ CA-AKI.

  • Lựa chọn liều lượng và thuốc cản quang hợp lý

Thuốc cản quang nên được dùng với liều thấp nhất và tránh thực hiện lặp lại gần nhau (48 đến 72 giờ). Nên sử dụng chất cản quang đẳng thẩm thấu (iodixanol) hoặc các chất có nồng độ thẩm thấu thấp không ion (iopamidol hoặc ioversol). Không sử dụng chất thẩm thấu cao (1400 đến 1800 mosmol/kg) do thuốc cản quang không ion, đẳng thẩm thẩm hoặc độ thẩm thấu thấp an toàn hơn so với các chất cản quang ion và có độ thẩm thấu cao. Thuốc cản quang iodixanol an toàn hơn iohexol ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

  • Truyền dịch

Đối với tất cả những bệnh nhân nguy cơ cao, nếu không có chống chỉ định nên truyền tĩnh mạch NaCl 0,9% hoặc dung dịch bicarbonate, cụ thể như sau:

+ Bệnh nhân ngoại trú: 3 mL/kg trong 1 giờ trước trước khi dùng và 1 - 1,5 mL/kg/giờ trong quá trình chụp cản quang và kéo dài 4- 6 giờ sau khi chụp

+ Bệnh nhân nội trú: 1 mL/kg/giờ trong 6 đến 12 giờ trước khi dùng thuốc cản quang, trong quá trình chụp cản quang, và 6 - 12 giờ sau khi chụp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Uptodate (2022), Prevention of contrast-associated acute kidney injury related to angiography
  2. Chang C.U., Lin C.C. (2013), Current concepts of contrast-induced nephropathy: A brief review, Journal of the Chinese Medical Association, 76, 673 – 681.

Owen R. J., Hiremath S. et al. (2014), “Canadian Association of Radiologists Consensus Guidelines for the Prevention of Contrast-Induced Nephropathy: Update 2012, 96 – 105


Danh mục: Tin tức , Truyền thông nói về chúng tôi , Thông báo , Hướng dẫn khám bệnh , Phổ biến kiến thức

Bình luận