Khoảng 1,6 triệu người Việt bị suy tim

Ước tính Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người suy tim, trong đó 25% tử vong trong năm đầu sau khi được chẩn đoán phần lớn do điều trị không đầy đủ.

"Hiện nay suy tim được coi là nguyên nhân hàng đầu gây tái nhập viện trong các bệnh lý tim mạch, làm giảm kỳ vọng sống cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh", tiến sĩ Vũ Quỳnh Nga, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, nói với VnExpress ngày 15/9. Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu dịch tễ về suy tim. Dữ liệu trên do tiến sĩ Nga cung cấp ước tính dựa vào tỷ lệ suy tim trên thế giới khoảng 2% dân số.

Nghiên cứu từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2021 tại Bệnh viện Tim Hà Nội với 1.131 bệnh nhân được theo dõi trong Chương trình quản lý suy tim ngoại trú, cho thấy độ tuổi trung bình là 65. Trong đó, nhóm 75 tuổi trở lên chiếm hơn 26%.

"Mô hình bệnh lý suy tim ở Việt Nam có thay đổi trong những năm qua", bác sĩ Nga nhận định. Trước kia nguyên nhân suy tim chủ yếu là các bệnh van tim hậu thấp như hẹp van hai lá, thì ngày nay nguyên nhân chính do bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, bệnh cơ tim giãn.

Trong khi đó, Liên đoàn Tim mạch Thế giới ghi nhận khoảng 64 triệu người trên toàn cầu bị suy tim. Tỷ lệ bệnh cao hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình, do các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì, hút thuốc lá và ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ suy tim tăng dần theo độ tuổi, khoảng 1% ở nhóm người 55 tuổi và 10% với nhóm trên 70 tuổi.

Dấu hiệu chính của suy tim thường là khó thở, mệt, phù, đi tiểu ít. Các dấu hiệu này là hậu quả của tình trạng ứ dịch tại phổi và các cơ quan khác như gan, chi dưới và giảm tưới máu cho các mô trong cơ thể. Bệnh nhân có thể thêm dấu hiệu của bệnh nguyên nhân hoặc mắc kèm như đau ngực, rối loạn nhịp tim.

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội phẫu thuật tim cho một bệnh nhân. Ảnh: Quang Hùng

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội phẫu thuật tim cho một bệnh nhân. Ảnh: Quang Hùng

Tiến sĩ Nga cho biết điều trị suy tim là một quá trình lâu dài và có thể xảy ra nhiều biến cố như suy tim tăng nặng, rối loạn nhịp, nhiễm trùng nặng, tái nhập viện, thậm chí tử vong. Vì vậy, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ, định kỳ bởi một đội ngũ nhân viên y tế (heart team) gồm bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, bác sĩ dinh dưỡng, phục hồi chức năng, nhằm cải thiện kỳ vọng sống và chất lượng cuộc sống.

"Bệnh nhân cần tái khám định kỳ, tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống nhằm duy trì tình trạng ổn định, phát hiện sớm các dấu hiệu suy tim tăng nặng", bác sĩ Nga nói và thêm rằng họ cũng cần được tư vấn để chủ động phối hợp với nhân viên y tế trong quá trình theo dõi và điều trị.

Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh nhân suy tim được theo dõi trong Chương trình quản lý suy tim ngoại trú - chương trình vừa được nhận giải thưởng Bronze của Hội Tim mạch Mỹ (AHA). Họ được bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống, tập luyện, thuốc điều trị suy tim và bệnh lý mắc kèm, tiêm chủng.

"Bệnh nhân không hề đơn độc mà được bác sĩ theo dõi, tối ưu biện pháp điều trị, giảm gánh nặng tâm lý để tăng hiệu quả điều trị", bác sĩ Nga nói.

Như một bệnh nhân nam 76 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp, tắc hoàn toàn đoạn cuối động mạch vành trái, phải can thiệp bằng hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO), nong và đặt stent động mạch vành. Ra viện, bệnh nhân tham gia Chương trình quản lý suy tim ngoại trú, sau một năm điều trị hiện không còn khó thở và chức năng tim được cải thiện gần như bình thường.

Bác sĩ Nga đánh giá bệnh nhân này được chẩn đoán sớm, giải quyết nguyên nhân bệnh lý suy tim, được sử dụng các thiết bị hồi sức tim mạch hiện đại nhất để vượt qua giai đoạn cấp, tuân thủ phác đồ điều trị và theo dõi sát về sau.

Theo Vnexpress


Danh mục: Tin tức , Truyền thông nói về chúng tôi , Thông báo

Bình luận