Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hỗ trợ chuyên môn giữa các bệnh viện

Ngày 29/10, Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức Hội nghị Giám đốc các đơn vị y tế Hà Nội dưới sự chủ trì của Sở Y tế. Tham dự hội nghị có TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng toàn thể 129 giám đốc các đơn vị y tế trên địa bàn. Hội nghị lần này được tổ chức sau 2 năm ngành y tế thủ đô dồn sức chống dịch bệnh Covid-19. 
Theo báo cáo tại hội nghị, Hà Nội là nơi tập trung nhiều bệnh viện tuyến trung ương, bộ ngành. Riêng ngành y tế của Hà Nội, với bệnh viện công lập, có 8 bệnh viện hạng 1; 30 bệnh viện hạng 2; 3 bệnh viện hạng 3. Ngoài ra, có hơn 40 bệnh viện tư nhân và hàng chục trung tâm y tế, gần 600 trạm y tế… Có 3 bệnh viện được công nhận bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế gồm Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
 
Hội nghị Giám đốc các đơn vị Y tế Hà Nội. 

Báo cáo cũng cho thấy xu hướng chuyển tuyến trong hệ thống y tế thành phố có chiều hướng tích cực. Các bệnh viện chuyển tuyến lẫn nhau trong hệ thống. 
TS Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối, có chuyên môn giỏi như Bệnh viện Tim Hà Nội, Phụ sản, Ung bướu… cần giữ chân, điều trị tốt cho người bệnh, mà không cần phải chuyển lên tuyến trên.
 
TS Trần Thị Nhị Hà Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, TS Vũ Duy Hưng, Trưởng phòng nghiệp vụ y thuộc Sở Y tế Hà Nội đã trình bày về hiệu quả hợp tác, hỗ trợ chuyên môn giữa các tuyến bệnh viện và các trung tâm y tế, đặc biệt bài báo cáo của Bệnh viện Tim Hà Nội trình bày về những thành tựu và những kỹ thuật mới ngành tim mạch mà bệnh viện đạt được trong thời gian vừa qua…
 
Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Quang Huy trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tim Hà Nội  trình bày bài báo cáo về những thành tựu mà Bệnh viện Tim Hà Nội đã đạt được trong những năm vừa qua.
Hội nghị lần này, các giám đốc thuộc các đơn vị y tế cũng nêu ra những khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời gian vừa qua. Đồng thời cũng đưa ra các giải phải nhằm tháo gỡ những khó khăn. Một số giải pháp được đề xuất gồm: Quản lý hồ sơ sức khỏe và có được mô hình bệnh tật; Phát huy việc thực hiện ảnh hưởng của chuyên khoa đầu ngành; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB, Hội chẩn giữa các tuyến; Tổ chức mô hình hỗ trợ theo tuyến, khu vực (như trong dịch bệnh COVID-19); Bố trí đủ thuốc cho người bệnh (đối với tuyến dưới khi người bệnh mắc bệnh mạn tính đã điều trị tại tuyến trên thì được kê đơn duy trì như cũ).

Những đóng góp ý kiến của Giám đốc các đơn vị Y tế tại Hội nghị

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của TS Trần Thị Nhị Hà, Hội nghị đã dành nhiều thời gian để thảo luận nhằm tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong ngành y tế trong lúc chờ sửa đổi luật khám chữa bệnh tới đây. Các vấn đề nóng như thiếu thuốc, giá khám, chữa bệnh, công tác chuyển đổi số trong bệnh viện, công tác nhân sự, tự chủ bệnh viện… cũng được bàn luận tại hội nghị.
 
Những ý kiến của các lãnh đạo đơn vị y tế trong hội nghị sẽ được tổng kết để kiến nghị với Bộ Y tế cũng như Chính phủ, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong ngành y tế nói chung và các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng.
Sau hơn 4 tiếng làm việc nghiêm túc, hội nghị đã có những ý kiến đóng góp cho Sở Y tế với mục đích cuối cùng làm sao chăm sóc tốt nhất sức khỏe nhân dân. 


Danh mục: Tin tức , Thông báo