Định nghĩa
Đúng như tên gọi của nó, ngừng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng trong đó bạn lặp đi lặp lại các chu kì ngừng thở rồi thở lại trong khi ngủ. Hãy để ý xem khi ngủ bạn có ngáy to và có khi nào bạn cảm thấy mệt mỏi kể cả sau một đêm ngủ dài không. Nếu có, rất có khả năng bạn đã bị ngừng thở khi ngủ.
Có 3 dạng chính của ngừng thở khi ngủ:
- Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn: là dạng thường gặp nhất, xảy ra khi các cơ ở họng thả lỏng khi bạn ngủ.
- Ngừng thở khi ngủ trung tâm: xảy ra khi não của bạn không phát ra các tín hiệu phù hợp đến các cơ kiểm soát thở.
- Hội chứng ngừng thở khi ngủ hỗn hợp: xảy ra khi một người có cả ngừng thở do tắc nghẽn và ngừng thở trung tâm. Đây là dạng ngừng thở khi ngủ cần điều trị khẩn cấp.
Nếu bạn nghĩ mình bị bất cứ dạng nào của ngừng thở khi ngủ trên đây, hãy đi khám. Điều trị sớm có thể giúp cải thiện triệu chứng và giúp phòng ngừa bệnh tim và các biến chứng.
Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn và ngừng thở khi ngủ trung tâm thường chồng chéo nhau, đôi khi cũng rất khó để bác sĩ xác định bạn mắc loại ngừng thở khi ngủ nào. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp nhất của ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn và ngừng thở khi ngủ trung tâm bao gồm:
- Ngáy to, thường hay gặp ở ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
- Có các đoạn ngừng thở trong lúc ngủ có người khác chứng kiến.
- Có những lần tỉnh giấc bất ngờ do khó thở, thường hay thấy ở ngừng thở khi ngủ trung tâm.
- Khô miệng, đau họng khi thức dậy.
- Đau đầu buổi sáng sau khi thức dậy.
- Mất ngủ.
- Cảm giác buồn ngủ, gà gật cả ngày (do thiếu ngủ ban đêm).
- Giảm khả năng tập trung.
- Hay cáu gắt, dễ bị kích động.
Khi nào cần khám bác sĩ?
Hãy đặt hẹn khám nếu bạn thấy, hoặc người ở cùng phát hiện ra những dấu hiệu sau:
- Ngáy to đến mức làm người khác mất ngủ.
- Khó thở hoặc thở gấp vì thiếu không khí hoặc thở gấp vì ngạt khiến bạn tỉnh giấc trong lúc ngủ.
- Có những đoạn ngừng thở trong lúc ngủ.
- Cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ cả ngày, ngủ gật khi đang làm việc, đang xem tivi hoặc có khi là khi đang lái xe.
Nhiều người không nghĩ rằng ngáy là một dấu hiệu nghiêm trọng và không phải tất cả những người ngừng thở khi ngủ đều ngáy. Nhưng nếu bạn ngáy to mà đặc biệt là ngáy mà ngắt quãng với những đoạn hoàn toàn im lặng thì bạn nên trao đổi với bác sĩ. Hãy nói với bác sĩ về tất cả những vấn đề của giấc ngủ khiến bạn mệt mỏi, khó chịu và lúc nào cũng lơ mơ, buồn ngủ. Tình trạng buồn ngủ quá mức trong ngày rất có thể bắt nguồn từ việc ngừng thở khi ngủ hoặc những rối loạn giấc ngủ khác.
Nguyên nhân
Nguyên nhân của ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn
Trong vùng hầu họng của chúng ta có những cơ để nâng đỡ vòm miệng, amidan, các thành bên của họng và lưỡi. Khi những cơ này thư giãn và tụt xuống, chúng có thể làm hẹp hoặc tắc đường thở của bạn khi bạn hít vào khiến bạn không hít đủ không khí cần thiết. Điều này có thể làm giảm nồng độ oxy trong máu của bạn.
Đường thở bình thường Ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn |
Đường thở thông thoáng, Ngừng thở bị tắc nghẽn, không khí đi xuống được không khí không đi xuống được |
Não của chúng ta rất nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy máu vậy nên nó “đánh thức” chúng ta tỉnh dậy để hít thêm không khí. Tuy nhiên những lần tỉnh giấc này thường rất ngắn đến nỗi bạn chẳng thể nhớ được.
Khi ngủ, bạn có thể ngáy to, sặc hoặc thở hắt ra. Những kiểu này có thể lặp lại mỗi giờ từ 5 đến 30 lần hoặc hơn và cứ thế suốt cả đêm. Chúng làm bạn ngủ không tròn giấc, thiếu ngủ và khiến cả ngày hôm sau bạn trở nên mệt mỏi, buồn ngủ. Tuy nhiên, thường những người bị ngừng thở khi ngủ kiểu tắc nghẽn như thế này lại không hề biết mình bị mất ngủ mà ngược lại họ lại tưởng họ ngủ rất tốt.
Nguyên nhân của ngừng thở khi ngủ trung tâm
Ngừng thở kiểu này ít gặp hơn kiểu ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn, xảy ra khi não bộ không truyền được tín hiệu đến các cơ hô hấp. Điều này có nghĩa là người đó không “chịu” thở trong một khoảng thời gian ngắn dẫn đến tình trạng khó thở hoặc mất ngủ.
Các yếu tố nguy cơ
Ngừng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến bất kì ai, thậm chí cả trẻ nhỏ. Nhưng hãy để ý những người như sau thì hay bị ngừng thở khi ngủ nhé:
Ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn
- Thừa cân, béo phì: những người béo phì có nguy cơ bị ngừng thở khi ngủ tăng gấp 4 lần những người có cân nặng bình thường do chất béo bám quanh đường thở trên của họ có thể làm cản trở việc hít thở bình thường. Nhưng mà không phải ai ngừng thở khi ngủ cũng thừa cân, béo phì cả.
- Cổ ngắn và béo: những người có cổ ngắn và béo có thể có đường thở hẹp hơn những người bình thường.
- Đường thở nhỏ hẹp: có thể là bẩm sinh di truyền ở một số người. Nhưng hay gặp hơn, nhất là ở trẻ em, đó là tình trạng phì đại của amydan hoặc các hạch quanh vùng hầu họng có thể khiến cho đường thở của chúng bị hẹp hoặc tắc và gây tình trạng ngừng thở khi ngủ ở trẻ.
- Nam giới: có nguy cơ bị ngừng thở khi ngủ tăng gấp đôi so với phụ nữ. Nhưng phụ nữ cũng có thể bị nếu như họ thừa cân, béo phì và nguy cơ này tăng lên ở tất cả phụ nữ sau tuổi mãn kinh.
- Lớn tuổi: thường bị ngừng thở khi ngủ nhiều hơn người trẻ tuổi.
- Tiền sử gia đình: nếu bạn có người nhà bị ngừng thở khi ngủ thì bạn cũng có nguy cơ bị ngừng thở khi ngủ cao.
- Sử dụng rượu, thuốc an thần: những thuốc này làm các cơ ở cổ họng bị thả lỏng hơn nữa
- Hút thuốc lá: làm tăng tình trạng viêm và ứ đọng dịch ở đường thở trên khiến những người hút thuốc có khả năng bị ngừng thở khi ngủ tăng gấp 3 lần những người không bao giờ hút thuốc. Tin vui là nguy cơ này sẽ giảm nếu như bạn bỏ thuốc lá. Vậy nên nếu bạn hút thuốc lá, hãy bỏ thuốc ngay hôm nay.
- Ngạt mũi:nếu bạn gặp khó khăn với việc thở qua đường mũi dù là do cấu tạo giải phẫu bất thường hay dị ứng thì bạn cũng tăng nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ.
Ngừng thở khi ngủ trung tâm
- Lớn tuổi: Những người ở độ tuổi trung niên hoặc lớn tuổi có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ cao hơn.
- Mắc bệnh tim: đặc biệt là suy tim xung huyết sẽ làm người mắc bệnh tăng khả năng bị ngưng thở khi ngủ trung tâm.
- Sử dụng các thuốc giảm đau gây nghiện: các thuốc nhóm opioid, đặc biệt là những loại tác dụng kéo dài như methadone khiến người sử dụng tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ trung tâm.
- Đột quỵ cũng gây tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ cho những người mắc bệnh.
Biến chứng
Ngừng thở khi ngủ được coi là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Các biến chứng mà nó có thể gây ra là:
- Tình trạng mệt mỏi vào ban ngày: việc tỉnh giấc lặp đi lặp lại do những cơn ngừng thở khi ngủ làm cho người mắc bệnh này không thể có một giấc ngủ ngon, trọn vẹn. Họ thường có cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ và hay cáu gắt. Cũng thật khó để có thể tập trung vào công việc nên những người này có thể ngủ gật trong lúc làm việc, khi xem ti vi hay thậm chí là lúc đang lái xe. Vì vậy nếu họ điều khiển phương tiện giao thông sẽ rất nguy hiểm. Đối với trẻ em mắc ngừng thở khi ngủ, chúng có thể hay cáu kỉnh, bực tức, học hành sa sút hoặc có những hành vi gây rối ở trường.
- Tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch. Ngừng thở làm giảm nồng độ oxy, tăng nồng độ CO2 có thể gây tăng huyết áp và khiến hệ thống tim mạch của người bệnh trở nên căng thẳng. Vì thế những người bị ngừng thở khi ngủ sẽ tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim tái phát. Nguy hiểm nhất là với những người đã có sẵn những bệnh lý tim mạch có sẵn, những cơn giảm oxy máu này có thể dẫn đến đột tử do rối loạn nhịp tim.
- Tiểu đường type 2. Những người ngừng thở khi ngủ dễ mắc tình trạng đề kháng insulin và bị tiểu đường type 2 nhiều hơn so với những người bình thường.
- Hội chứng chuyển hoá. Hội chứng này gồm một tập hợp những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường và tăng chu vi vòng bụng.
- Biến chứng với thuốc và phẫu thuật. Những người bị ngừng thở khi ngủ thì dễ có các biến chứng khi phẫu thuật vì họ vốn đã có vấn đề về hô hấp, đặc biệt là khi họ được gây mê và nằm ngửa. Trước khi phẫu thuật, nếu bạn bị ngừng thở khi ngủ, hãy trao đổi với bác sĩ.
- Các vấn đề về gan. Rối loạn chức năng gan, mà cụ thể là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thường xảy ra hơn ở những người bị ngừng thở khi ngủ.
- Khiến những người quanh bạn khó ngủ. Điều này có thể dẫn đến việc mối quan hệ của bạn với họ gặp trở ngại. Không hiếm những trường hợp, một trong hai người phải đi nơi khác để ngủ.
Chuẩn bị đi khám như thế nào.
Nếu bạn hoặc người sống cùng mình nghi ngờ rằng bạn bị ngưng thở khi ngủ, hãy đặt hẹn khám với bác sĩ. Bạn có thể hẹn gặp bác sĩ chuyên khoa Thần kinh hoặc chuyên gia sức khoẻ tâm thần hoặc bác sĩ Tai Mũi Họng hoặc bác sĩ Tim mạch.
Để buổi khám bệnh được hiệu quả, chúng ta nên chuẩn bị sẵn một số thông tin từ trước khi đi khám như sau:
Nên nhịn ăn vì nhiều khả năng bạn sẽ cần làm xét nghiệm máu.
Hãy viết bất kì biểu hiện triệu chứng nào mà bạn cảm nhận thấy.
Hãy viết các thông tin cá nhân quan trọng bao gồm những căng thẳng chính mà bạn đang chịu đựng hoặc bất kì những thay đổi về lối sống nào gần đây.
Hãy viết danh sách các thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng.
Tốt nhất là hãy đi cùng một ai đó nếu có thể. Đôi khi chúng ta cảm thấy bối rối,lo lắng trước những thông tin ta tiếp nhận mà quên đi những điều quan trọng mà bác sĩ dặn dò. Có một người đi cùng, có thể là họ hàng hoặc bạn bè. Còn nếu không, hãy viết lại những ý chính bác sĩ trao đổi với bạn và hỏi lại bác sĩ xem cách bạn hiểu về bệnh của mình như thế đã đúng chưa.
Hãy viết những câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn.
Vì thời gian gặp bác sĩ có hạn, bạn nên chuẩn bị sẵn những câu hỏi. Các bác sĩ của chúng tôi tại Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ sẵn lòng giải đáp các thắc mắc này. Bạn nên hỏi các câu như:
- Nguyên nhân chính gây ra triệu chứng của tôi là gì?
- Tôi cần phải làm xét nghiệm gì? Tôi có cần chuẩn bị gì trước cho các xét nghiệm đó không?
- Tình trạng của tôi là tạm thời hay lâu dài?
- Có những phương pháp điều trị gì?
- Phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho tôi?
- Tôi còn mắc bệnh khác nữa. Việc điều trị bệnh này có ảnh hưởng gì đến bệnh kia không?
- Tôi có cần đi khám bác sĩ chuyên khoa không?
- Bác sĩ có thể giới thiệu một cuốn sách nào về bệnh này phù hợp để tôi đọc thêm không? Hoặc trang web nào tôi có thể tham khảo?
Bác sĩ sẽ hỏi những gì?
Để tìm nguyên nhân và biến chứng của ngưng thở khi ngủ, chúng tôi có thể sẽ hỏi một số câu hỏi và bạn nên chuẩn bị sẵn sàng để trả lời. Việc này sẽ tiết kiệm thời gian cho cả bạn và bác sĩ. Một số câu hỏi có thể là:
- Các triệu chứng bắt đầu từ khi nào?
- Các triệu chứng có kéo dài liên tục không hay mất đi rồi lại xuất hiện?
- Các triệu chứng khó chịu đến mức nào?
- Người ở cùng bạn mô tả các triệu chứng của bạn như thế nào?
- Bạn có biết mình bị ngưng thở khi ngủ không? Nếu có thì bao nhiêu lần trong một đêm?
- Có điều gì làm giảm các triệu chứng của bạn không?
- Có điều gì làm triệu chứng của bạn kéo dài hơn? Tư thế ngủ hay sau khi uống rượu?
Có thể làm gì trong lúc này?
- Cố gắng nằm nghiêng khi ngủ. Hầu hết các dạng ngừng thở khi ngủ đều giảm đi nếu bạn nằm nghiêng khi ngủ.
- Tránh uống rượu gần giờ đi ngủ. Uống rượu sẽ làm tăng nguy cơ gây ngưng thở tắc nghẽn và ngưng thởhỗn hợp. Tránh uống rượu từ 4 – 6 giờ trước khi ngủ.
- Tránh các thuốc an thần vì tuy rằng chúng giúp bạn thư giãn và gây buồn ngủ nhưng chúng lại làm nặng thêm tình trạng ngưng thở khi ngủ của bạn.
- Nếu bạn buồn ngủ, không nên lái xe. Nếu bạn bị ngưng thở khi ngủ, bạn có thể buồn ngủ bất cứ lúc nào, có thể khiến bạn gây ra tai nạn giao thông. Đôi khi, một người bạn thân hoặc thành viên trong gia đình có thể cho bạn biết rằng bạn đang buồn ngủ hoặc thiếu ngủ hơn là bạn thực sự cảm nhận được. Nếu điều này là đúng, cố gắng không nên lái xe.
Xét nghiệm và chẩn đoán
Việc đánh giá rối loạn giấc ngủ thường liên quan đến việc theo dõi hô hấp vào ban đêm và các chức năng khác của cơ thể trong khi ngủ. Kiểm tra giấc ngủ tại nhà cũng có thể là một lựa chọn. Các xét nghiệm để phát hiện ngưng thở khi ngủ có thể bao gồm:
- Đo đa ký giấc ngủ(Polysomnography). Trong quá trình kiểm tra này, bạn sẽ được trang bị các thiết bị theo dõi hoạt động của tim, phổi và não, dạng hô hấp, cử động tay và chân, và mức oxy trong máu trong khi bạn ngủ.
- Kiểm tra giấc ngủ tại nhà. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cung cấp cho bạn các xét nghiệm đơn giản được sử dụng ở nhà để chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ. Các xét nghiệm này thường bao gồm đo nhịp tim, mức oxy trong máu, luồng không khí và các dạng hô hấp. Nếu bạn có chứng ngưng thở khi ngủ, kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy mức sụt giảm oxy trong khi ngủ và tăng lên sau khi thức dậy.
Nếu kết quả không bình thường, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp mà không cần xét nghiệm thêm. Tuy nhiên, các thiết bị theo dõi di động này không phát hiện ra tất cả các trường hợp ngưng thở khi ngủ, vì vậy bác sĩ của bạn vẫn có thể khuyên bạn nên đo đa ký giấc ngủ ngay cả khi kết quả ban đầu của bạn là bình thường.
Nếu bạn bị chứng ngưng thở khi ngủ, bác sĩ có thể chuyển bạn đến bác sĩ Tai Mũi Họng để loại trừ bất kỳ sự tắc nghẽn nào trong mũi hoặc họng của bạn. Việc đánh giá bởi bác sĩ tim mạch hoặc bác sĩ thần kinh để tìm nguyên nhân và biến chứng của cơn ngưng thở khi ngủ là rất quan trọng.
Điều trị và dùng thuốc
Đối với những trường hợp ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ, bác sĩ có thể chỉ đề nghị thay đổi lối sống, chẳng hạn như giảm cân hoặc bỏ hút thuốc. Và nếu bạn bị dị ứng mũi, bác sĩ sẽ đề nghị điều trị dị ứng. Nếu những biện pháp này không giúp cải thiện dấu hiệu và triệu chứng của bạn hoặc nếu cơn ngưng thở của bạn từ vừa đến nặng, bạn sẽ cần một số phương pháp điều trị khác.
Các biện pháp điều trị chứng ngưng thở khi tắc nghẽn có thể bao gồm:
Liệu pháp
- Thiết bị hỗ trợ thở không xâm nhập (CPAP). Nếu bạn bị ngưng thở khi ngủ ở mức độ vừa phải đến nặng, bạn có thể sử dụng một máy giúp vận chuyển không khí đi qua một mặt nạ đặt trên mũi trong khi bạn ngủ. CPAP (đọc là ci-páp) cung cấp cho bạn luồng khí thở với áp suất cao hơn một chút so với không khí xung quanh và chỉ vừa đủ để giữ cho đường thở trên của bạn mở, ngăn ngừa chứng ngưng thở và ngáy.
CPAP là phương pháp phổ biến nhất và đáng tin cậy nhất để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ cho đến nay nhưng một số người bệnh không thực sự thoải mái và dễ chịu khi phải đeo mặt nạ của CPAP đi ngủ đến mức nhất quyết từ chối phương pháp này. Tuy nhiên, nếu chịu khó tập luyện và động viên bản thân mình cần thích nghi, một số bệnh nhân sẽ làm quen và dần dần chấp nhận CPAP.
Bạn có thể cần phải thử nhiều loại mặt nạ để tìm một loại mặt nạ thực sự thoải mái cho mình. Một số người cảm thấy dễ chịu hơn khi sử dụng máy làm ẩm cùng với hệ thống CPAP của họ. Đừng chỉ dừng sử dụng máy CPAP nếu bạn thấy có vấn đề. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về điều này nhé. Rất có thể chúng ta có thể tìm được một phương pháp nào đó giúp cho bạn cảm thấy thoải mái hơn với mặt nạ của CPAP.
Ngoài ra,hãy liên hệ với bác sĩ của bạn nếu bạn vẫn ngáy mặc dù bạn vẫn đang điều trị hoặc tự nhiên ngáy trở lại sau khi đã hết ngáy. Nếu cân nặng của bạn thay đổi, áp suất của máy CPAP có thể cần phải được điều chỉnh.
- Các thiết bị hỗ trợ đường thở khác. Nếu bạn không thể quen được với việc sử dụng CPAP trong lúc ngủ, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn sử dụng một loại thiết bị áp lực đường thở khác tự động điều chỉnh áp suất trong khi bạn đang ngủ (Auto-CPAP). Thiết bị cung cấp áp lực đường thở dương hai mức độ (BiPAP) hỗ trợ nhiều áp lực hơn khi bạn hít vào và ít hơn khi bạn thở ra.
- Thiết bị hỗ trợ áp lực đường thở dương ở thì thở ra (EPAP). Các thiết bị nhỏ và sử dụng một lần này được đặt trên mỗi lỗ mũi trước khi bạn đi ngủ. Thiết bị bao gồm một van cho phép không khí di chuyển tự do, nhưng khi bạn thở ra, không khí phải đi qua các lỗ nhỏ trong van đó làm tăng áp lực trong đường thở và giữ cho nó mở.
Thiết bị này có thể giúp giảm ngáy ngủ và giảm buồn ngủ ban ngày ở những người bị chứng ngưng thở khi tắc nghẽn nhẹ và có thể là một lựa chọn cho một số người không thể chịu được CPAP.
- Các thiết bị khoang miệng. Một lựa chọn khác là đó là ngậm một thiết bị trong miệng được thiết kế để giữ cho cổ họng của bạn luôn mở. Thiết bị này dễ sử dụng hơn CPAP mặc dù hiệu quả thì không tin cậy bằng. Một số được thiết kế để mở cổ họng của bạn bằng cách đưa hàm của bạn về phía trước, có thể làm giảm ngáy ngủ và những ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ mức độ nhẹ.
Một số thiết bị này có sẵn ở bác sĩ nha khoa. Bạn có thể cần phải thử nhiều thiết bị khác trước khi tìm được một thiết bị phù hợp với mình. Dù vậy, bạn vẫn cần được nha sĩ theo dõi liên tục trong năm đầu tiên và tái khám định kì sau đó để đảm bảo rằng thiết bị này vẫn còn vừa với bạn và vẫn giúp cải thiện các dấu hiệu và triệu chứng cho bạn.
Phẫu thuật
Phẫu thuật thường là một lựa chọn cuối cùng sau khi các phương pháp điều trị khác không thành công. Các phương pháp điều trị khác nên được thử nghiệm ít nhất 3 tháng, nếu không thành công mới xem xét phẫu thuật. Tuy nhiên, đối với những ngưới có trúc hàm bất thường thì phẫu thuận nên được lựa chọn đầu tiên.
Mục tiêu của phẫu thuật ngưng thở khi ngủ là mở rộng đường thở qua mũi hoặc cổ họng vì hẹp các đường này có thể khiến bạn ngáy, cản trở đường thở trên và gây ngưng thở khi ngủ. Các lựa chọn phẫu thuật có thể bao gồm:
- Cắt bỏ mô. Đó là phương pháp phẫu thuật lưỡi gà – khẩu cái – họng (uvulopalatopharyngoplasty), trong đó, bác sĩ sẽ lấy bớt mô từ phía sau khoang miệng và và phía trên của cổ họng. Amidan và các hạch hầu họng của bạn cũng thường được cắt bỏ. Loại phẫu thuật này có thể thành công trong việc ngăn chặn các cấu trúc họng khỏi bị rung và gây ngáy. Tuy nhiên, phương pháp này ít hiệu quả hơn CPAP và không được coi là điều trị đáng tin cậy cho chứng ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn.
Loại bỏ các mô ở phía sau cổ họng của bạn bằng năng lượng sóng cao tần (cắt bỏ bằng RF) có thể là một lựa chọn cho những người không thể sử dụng được CPAP hoặc thiết bị khoang miệng.
- Định vị lại hàm. Trong thủ thuật này, hàm của bạn được di chuyển về phía trước từ phần còn lại của xương mặt. Điều này sẽ mở rộng không gian phía sau lưỡi và vòm miệng mềm và có thể giúp làm giảm tắc nghẽn.
- Cấy ghép. Phẫu thuật để đưa các thanh nhựa cấy ghép vào vòm miệng mềm sau khi bạn đã được gây tê cục bộ.
- Tạo một đường thông khí tắt. Nếu các phương pháp điều trị khác không thành công hoặc bạn bị ngưng thở khi ngủ nghiêm trọng, bạn có thể cần loại hình phẫu thuật này. Trong phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật sẽ mở một lỗ ở cổ của bạn và chèn một ống bằng kim loại hoặc nhựa thông qua lỗ thở đó. Ban ngày, bạn có thể đóng nắp của nó nhưng ban đêm khi bạn chuẩn bị đi ngủ, bạn cần mở nắp để không khí có thể đi tắt qua ống đó.
Các loại phẫu thuật khác có thể giúp giảm ngáy ngủ và góp phần điều trị chứng ngưng thở khi ngủ bằng mở rộng các đường dẫn không khí bao gồm:
- Phẫu thuật mũi: tái tạo vách mũi,giải phẫu xoang.
- Phẫu thuật cắt bỏ amidan và các hạch bạch huyết phì đại.
- Phẫu thuật giảm cân.
Các phương pháp điều trị ngừng thở khi ngủ trung tâm và ngừng thở khi ngủ hỗn hợp bao gồm:
- Điều trị các vấn đề liên quan đến y tế. Các nguyên nhân có thể gây ra chứng ngưng thở khi giấc ngủ trung tâm bao gồm bệnh tim hoặc các rối loạn thần kinh cơ và việc điều trị những tình trạng này có thể giúp giảm tình trạng ngưng thở khi ngủ. Ví dụ, điều trị suy tim tối ưu có thể loại bỏ chứng ngưng thở khi ngủ trung tâm.
- Bổ sung Oxy. Bổ sung oxy trong khi bạn ngủ có thể giúp ích nếu bạn có cơn ngưng thở khi ngủ trung tâm. Có nhiều dạng oxy khác nhau cũng như các thiết bị khác nhau để cung cấp oxy cho phổi của bạn.
- Hệ thống thở máy không xâm nhập có thích nghi (ASV). Đây là một thiết bị thông khí đã được phê duyệt gần đây, hỗ trợ thở theo mô hình bình thường của bạn và lưu trữ thông tin trong một máy tính cài sẵn. Khi bạn ngủ, máy sử dụng áp lực để bình thường hóa kiểu thở của bạn và ngăn các đoạn ngừng thở. ASV dường như thành công hơn các thiết bị hỗ trợ thở tích cực khác trong điều trị chứng ngưng thở khi ngủ hỗn hợp ở một số người.
- Thiết bị hỗ trợ thở liên tục áp lực dương (CPAP). Phương pháp này, cũng được sử dụng trong ngưng thở tắc nghẽn, bao gồm việc đeo mặt nạ áp suất lên mũi của bạn trong khi bạn ngủ. CPAP có thể giảm ngáy ngủ và ngăn ngừa ngưng thở khi ngủ. Giống như chứng ngưng thở tắc nghẽn, điều quan trọng là bạn sử dụng thiết bị theo đúng hướng dẫn. Nếu mặt nạ của bạn không thoải mái hoặc cảm thấy áp suất quá mạnh, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để có thể điều chỉnh cho phù hợp hơn.
- Thiết bị hỗ trợ thông khí áp lực dương với hệ thống hai áp lực (BiPAP). Không giống như CPAP cung cấp một áp lực cố định, không đổi cho đường thở trên của bạn khi bạn hít vào và thở ra, BiPAP tạo áp lực cao hơn khi bạn hít vào và giảm áp suất thấp hơn khi thở ra.
Mục tiêu của điều trị này là để hỗ trợ các dạng thở yếu của ngưng thở khi ngủ trung ương khi ngủ. Một số thiết bị BiPAP có thể được cài đặt tự động tạo một động tác hít vào cho bạn nếu thiết bị phát hiện bạn ngưng thở nhiều giây trước đó.
Phương pháp điều trị thì rất phong phú nhưng không phải ai cũng phù hợp với cùng một hình thức điều trị giống nhau. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về bất kỳ điều trị nào trước khi bạn thử nó để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất.
Lối sống và biện pháp phòng ngừa tại nhà.
Trong nhiều trường hợp, tự chăm sóc có thể là cách thích hợp nhất giúp bạn đối phó với chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ và có thể là cả ngưng thở trung tâm. Hãy thử những lời khuyên sau:
- Giảm cân. Thậm chí chỉ cần giảm cân một chút có thể giúp bạn giảm sự co thắt của cổ họng. Ngưng thở khi ngủ có thể thuyên giảm hoàn toàn trong một số trường hợp nếu bạn trở lại được về cân nặng bình thường nhưng có thể tái phát trở lại nếu bạn lại tăng cân.
- Tập thể dục. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm bớt triệu chứng ngưng thở khi ngủ thậm chí là không cần giảm cân. Cách tốt nhất là tập thể dục với cường độ trung bình, ví dụ như đi bộ nhanh, 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày một tuần.
- Tránh uống rượu và sử dụng các thuốc an thần hoặc thuốc ngủ. Những thuốc này làm các cơ cổ họng bị thả lỏng hơn, gây trở ngại cho việc hít thở.
- Nằm nghiêng về 1 phía hoặc nằm sấp hơn là nằm ngửa. Nằm ngửa dễ làm cho lưỡi và vòm miệng mềm của bạn tụt về phía cổ họng và làm nghẽn đường thở. Một mẹo mà bạn có thể thử để hạn chế việc nằm ngửa đó là đặt một cái gối hoặc một quả bóng tennis ở sau lưng.
- Giữ đường thở ở mũi của bạn thông thoáng. Sử dụng nước xịt mũi bằng nước muối để giữ cho đường mũi của bạn thông thoáng. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc sử dụng bất kỳ thuốc thông mũi hoặc kháng histamine vì những loại thuốc này thường chỉ được khuyến cáo sử dụng ngắn hạn.
- Ngừng hút thuốc lá. Nếu bạn là người nghiện thuốc. Hút thuốc làm trầm trọng hơn sự ngưng thở tắc nghẽn.
Bệnh viện Tim Hà Nội là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về Tim mạch của Hà Nội và cả nước. Chúng tôi tiếp nhận khám và điều trị tất cả các mặt bệnh về Tim mạch tại hai cơ sở của Bệnh viện. Nếu bạn có băn khoăn gì về sức khoẻ tim mạch của mình, hãy liên hệ ngay với chúng tôi tại đây
Bài viết này được soạn bởi các bác sĩ của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Vui lòng ghi rõ nguồn trích dẫn nếu bạn trích dẫn lại bài viết này.
Xin cảm ơn các bạn đã đọc và chúc các bạn có một trái tim khoẻ!



