Đặt lịch khám!
19001082
Nguy cơ đột tử do rối loạn nhịp tim
23/08/2023
Rối loạn nhịp tim là biểu hiện của nhiều bệnh lý nặng, đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị sớm, nguy hiểm nhất là đột tử. TS.BS Phạm Như Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết thông tin trên tại Hội thảo cập nhật công nghệ trên máy phá rung tim thế hệ mới, ngày 23/8.

"Rối loạn nhịp tim là biểu hiện của nhiều bệnh lý nặng, đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị. Các biến chứng như suy tim, đột quỵ, ngừng tim đột ngột, nhồi máu cơ tim", TS Hùng nói, thêm rằng ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 100.000 người bị đột tử do các vấn đề về tim. Tỷ lệ ngừng tim được cứu sống ngoại viện chỉ khoảng 10%.

Tình trạng rối loạn nhịp tim có thể xảy ra thoáng qua, thành từng đợt mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, rối loạn nhịp tim kéo dài nhiều giờ, thậm chí liên tục trong nhiều năm. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là nhịp tim đập bất thường, quá nhanh hoặc quá chậm.

Dấu hiệu bất thường và nghiêm trọng nhất của rối loạn nhịp tim là ngất xỉu. Một số triệu chứng nhẹ hơn bệnh nhân có thể gặp như khó thở, thở ngắn, hồi hộp, đánh trống ngực, choáng váng, chóng mặt, mất cân bằng. Nguyên nhân rối loạn nhịp tim là những bất thường hoặc bệnh lý của tim gây ra như bệnh cơ tim, suy tim, tim bẩm sinh, bệnh lý van tim, bệnh động mạch vành.

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội đặt máy phá rung tự động để theo dõi cho bệnh nhân. Ảnh: Quang Hùng

Trước đây, bệnh nhân tim mạch ở Việt Nam phải sang nước ngoài điều trị nhiều, nay ngành tim mạch có những bước tiến lớn, làm chủ được nhiều kỹ thuật hiện đại theo kịp các nước trong khu vực. Hiện có nhiều phương pháp khác để điều trị rối loạn nhịp như đốt bằng sóng RF, đặt máy tạo nhịp tim, đặt máy phá rung... Trong đó, máy phá rung tim thế hệ mới nhất được cấy vào cơ thể người bệnh có khả năng kết nối không dây với điện thoại bệnh nhân thông qua băng thông bluetooth năng lượng thấp. Bệnh viện Tim Hà Nội là đơn vị đầu tiên trên cả nước đưa thiết bị này vào cấy ghép trên bệnh nhân.

Bác sĩ Hùng cho biết thiết bị giúp các chuyên gia có thể theo dõi bệnh nhân từ xa và can thiệp kịp thời nếu họ có triệu chứng bất thường. Ngoài ra, thiết bị này còn bổ sung tính năng giảm thời gian điều trị các cơn rối loạn nhịp ở các bệnh nhân có nguy cơ mất ổn định huyết động.

TS Phạm Như Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, phát biểu tại hội thảo.

Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Như bệnh nhân nữ 32 tuổi mắc tim bẩm sinh, đã được mổ từ năm 14 tuổi. Gần đây, người bệnh có cơn rung thất, rối loạn nhịp, nguy cơ đột tử, may mắn được gia đình đưa vào Bệnh viện Tim Hà Nội cấp cứu kịp thời. Nếu bệnh nhân ở xa bệnh viện, nguy cơ tử vong rất cao. Vì vậy, nhằm dự phòng những cơn loạn nhịp tim đe dọa tính mạng, bệnh nhân được chỉ định đặt máy phá rung tự động dưới da để theo dõi.

"Bệnh nhân không phải lúc nào cũng ở gần bệnh viện. Những thiết bị theo dõi từ xa sẽ giúp bác sĩ phát hiện tình trạng rối loạn nhịp, cho thấy khi nào người bệnh cần đến bệnh viện cấp cứu ngay, trường hợp nào có thể trì hoãn theo dõi thêm", bác sĩ Hùng nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đánh giá việc sử dụng thiết bị mới trong điều trị rối loạn nhịp đem lại những hiệu quả tốt hơn không chỉ với bệnh nhân, mà còn là công cụ đắc lực giúp các bác sĩ theo dõi từ xa và dễ dàng quản lý hồ sơ người bệnh trong dài hạn.

ĐĂNG KÝ LỊCH KHÁM ONLINE
Đặt lịch dễ dàng, thăm khám tiện lợi